Biến thể SARS-CoV-2 của Anh lây nhanh, giết người chóng mặt

Theo dữ liệu mà Đại học Johns Hopkins thu được, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 101.378.000 người trên toàn thế giới và giết chết hơn 2,1 triệu người trong số đó, đài ABC News đưa tin.

Biến thể của Anh lây nhanh, giết người chóng mặt

Tình hình càng căng thẳng hơn khi chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Anh đang ngày càng lan rộng và cướp đi mạng sống bệnh nhân nhanh hơn trước đây.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mới đây nước Anh đã báo cáo tỉ lệ lây truyền và tử vong do chủng mới của virus SARS-CoV-2 cao nhất trên thế giới. 

Một lễ tang lễ diễn ra tại một nghĩa trang ở London vào ngày 27-1. Ảnh: GETTY

Sau khi đẩy mạnh các biện pháp chống dịch, số ca lây nhiễm mới của nước Anh trong tuần này có giảm 24% so với tuần trước, chỉ còn 260.098 trường hợp. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong của nước này tăng thêm 13%. Trong tháng 1, trung bình nước này ghi nhận khoảng hơn 1.000 ca tử vong. Trong ngày 26-1, Anh ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến, lên đến 1.631 ca.

Ở Anh, tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 đã tăng đột biến ở trẻ em mọi lứa tuổi, làm dấy lên lo ngại rằng biến thể mới sẽ nguy hiểm với trẻ em như đối với người lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết dù biến thể mới dễ lây lan hơn các biến thể virus trước đó, nhưng trẻ em vẫn chỉ có khả năng lây lan cho người khác bằng một nửa so với người lớn.

Tính đến ngày 25-1, 70 quốc gia trên thế giới đã phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể SARS-CoV-2 ở Anh, trong khi 31 quốc gia có các trường hợp biến thể Brazil. WHO cho biết, biến thể Brazil đã được phát hiện ở 8 quốc gia và hiện đang có dấu hiệu kháng vaccine.

Mỹ sẽ điều tra cặn kẽ nguồn gốc COVID-19

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã có dấu hiệu khả quan hơn. Tỉ lệ lây nhiễm giảm 20% và tỉ lệ tử vong giảm 7%.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ muốn có một cuộc điều tra quốc tế "mạnh mẽ và rõ ràng" về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.

Phát biểu với các phóng viên, bà Psaki cho biết cần thiết phải tìm hiểu kỹ cách mà loại virus SARS-CoV-2 xuất hiện và lây lan trên toàn thế giới. Bà Psaki cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều người quan tâm đến "thông tin sai lệch" từ "một số nguồn ở Trung Quốc".

Bà Psaki còn lưu ý rằng chính phủ mới của Tổng thống Joe Biden đang dành nguồn lực đáng kể để tìm hiểu những gì đã xảy ra và sẽ không coi báo cáo của WHO là điều hiển nhiên.

Buôn bán hải sản trong chợ một khu chợ ở TP Vũ Hán. Ảnh: REUTERS

"Washington sẽ dựa trên thông tin được thu thập và phân tích bởi cộng đồng tình báo của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đồng minh để đánh giá độ tin cậy của các báo cáo quốc tế" - bà Psaki nói thêm.

Virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở TP Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc vào khoảng tháng 12-2019. Đầu tháng này, một nhóm chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán để thăm dò nguồn gốc của virus, sau nhiều lần trì hoãn.

Các nhà khoa học đồng ý rằng căn bệnh này có nguồn gốc từ động vật và có thể đã bắt đầu lây lan cho người từ khu chợ hải sản Vũ Hán, nơi chuyên buôn bán các loài động vật sống.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ủng hộ một giả thuyết rằng loại virus này có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm tại Viện Virology Vũ Hán. Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên.

Vài ngày trước khi ông Trump rời nhiệm sở, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có thông tin cho rằng các nhân viên tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị ốm với các triệu chứng giống như COVID-19 vào năm 2019, trước khi trường hợp đầu tiên nhiễm loại virus này được công khai. Trong khi đó, Bắc Kinh phản bác bằng rằng mặc dù Vũ Hán là nơi phát hiện ra những ca bệnh đầu tiên, nhưng đó không hẳn là nơi bắt nguồn của virus. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm