Biển thủ phí thăm quan, phó BQL vịnh bị điều tra thêm tội mới

Ngày 25-6, sau hai ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND tỉnh Khánh Hòa đã công bố quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND cùng cấp điều tra bổ sung vụ án tham ô tại Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang.

Trong quyết định trả hồ sơ, HĐXX nhận định qua kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa cho thấy bị cáo Nguyễn Xuân Phương có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng chưa được điều tra. Bị cáo Phương đang bị truy tố tội tham ô tài sản.

Hai bị cáo Phương và Kỉnh tại tòa. Ảnh: TẤN LỘC

Đây là lần thứ hai TAND tỉnh Khánh Hòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này. Trước đó, tháng 4-2018, TAND tỉnh đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhằm xác định chính xác giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, VKSND tỉnh vẫn giữ nguyên cáo trạng. Trong vụ án này, ngoài Nguyễn Xuân Phương, VKSND tỉnh còn truy tố ông Trương Kỉnh, nguyên trưởng BQL vịnh Nha Trang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng do VKSND tỉnh Khánh Hòa công bố tại phiên tòa xác định năm 2014, trưởng BQL vịnh Nha Trang Trương Kỉnh giao toàn bộ việc thu phí tham quan vịnh Nha Trang cho phó ban Nguyễn Xuân Phương mà không có cơ chế theo dõi, kiểm soát.

Từ đó, lợi dụng sự buông lỏng quản lý, Phương tổ chức thu phí sai quy định, không hạch toán, bỏ ngoài sổ sách, tự ý chi tiêu, sử dụng, tham ô chiếm đoạt tiền thu phí tham quan tại đảo Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Kết luận giám định cho thấy trong năm 2014 tổng số tiền thu phí hơn 4,8 tỉ đồng. Trong đó, nộp ngân sách hơn 4,4 tỉ đồng, quyết toán phí, lệ phí hơn 3 tỉ đồng, gây thiệt hại đối với ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỉ đồng, riêng bị cáo Phương chiếm đoạt 762 triệu đồng.

Ban đầu VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố Nguyễn Xuân Phương tội tham ô tài sản quy định tại điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS năm 1999 (chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng) có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, sau đó VKS áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015. Do đó, bị cáo Phương được áp dụng khoản 3 Điều 353 BLHS 2015 nhẹ hơn (chiếm đoạt tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng), có khung hình phạt từ 15 đến 20 năm tù.

Bị cáo này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh có khung hình phạt cao, thuộc trường hợp phải chỉ định người bào chữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, truy tố, cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Khánh Hòa không yêu cầu đoàn luật sư tỉnh này phân công người bào chữa cho bị can Phương.

Điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Do đó, đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, tháng 4-2018, TAND tỉnh Khánh Hòa mới đề nghị đoàn luật sư tỉnh phân công luật sư bào chữa cho bị cáo Phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm