Trò đùa ác độc
Cách đây không lâu, khi mẹ con chị H., giao dịch viên tại một bưu cục thuộc bưu điện tỉnh Đồng Nai, đang ăn cơm thì một cuộc gọi đổ đến số điện thoại của chị. Tưởng là chồng gọi nên chị ra nghe. Tuy nhiên, đầu dây bên kia lại vang lên tiếng của một người phụ nữ hớt hải, hỏi chị có phải là vợ của anh K., rồi người đó nhanh chóng đọc địa chỉ nhà, số điện thoại để yêu cầu chị xác nhận.
Ngay khi vừa khẳng định các thông tin đó thì người phụ nữ kia phán tiếp một câu xanh rờn, là chồng chị H. đã bị cướp đâm lủng tim không qua khỏi và vội vã cúp máy. Khi gọi lại cho chồng mình không được, chị H. tin là thật và mấy mẹ con bỏ cơm ôm nhau khóc từ trưa đến chiều, hàng xóm, họ hàng đến chia sẻ thì đến tối, anh K. trở về không một vết trầy xước. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, anh K. trình báo công an nhưng số điện thoại phá rối kia chỉ là một số trả trước nên không thể làm gì hơn.
Theo ông Trần Ngọc Tiếp, phó chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện tượng dùng ĐTDĐ gọi điện quấy rối diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Hành vi quấy rối đã cản trở không nhỏ tới hoạt động của nhiều cơ quan và ảnh hưởng lớn tới tinh thần, vật chất của các cá nhân bị quấy rối. Nhiều thuê bao di động đã gọi điện quấy rối tới một cơ quan, một cá nhân suốt ngày đêm với tần suất gọi liên tục trong nhiều tháng.
Bị oan do thông tin sai
Để hạn chế tình trạng phá rối và tạo cơ sở cho việc tìm thông tin của người vi phạm, Bộ Thông tin - Truyền thông đã yêu cầu các mạng di động chỉ cho phép những thuê bao có đăng ký thông tin cá nhân mới được hoạt động. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp cố tình làm ngơ quy định này.
Đi khảo sát một vòng trên các con đường trọng điểm ở TPHCM, gần như 99% các cửa hàng bán SIM điện thoại di động luôn luôn có các SIM đã được kích hoạt sẵn để người dùng mua xong là có thể sử dụng liền. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các SIM “mì ăn liền” này đã được đăng ký thông tin cá nhân với tổng đài nhưng thông tin ấy có trung thực không thì... không biết, thậm chí một vài nơi đã dùng thông tin của một người để đăng ký nhiều SIM khác nhau.
Một ngày nọ, anh M., nhân viên ngân hàng, được mời đến công an phường làm việc về hành vi quấy rối người khác. Sau một hồi khai báo, công an cho anh về vì số điện thoại dùng phá rối là của người khác, mặc dù thông tin cá nhân đăng ký cho số máy đó lại là của anh.
Theo anh Đ., chủ một đại lý chuyên bán SIM, thường thì nhà mạng không có cách nào để kiểm tra lại tính chính xác của các thông tin cá nhân mà người dùng khai báo. Do đó, khi các đại lý phân phối SIM hoặc kẻ gian có ý định xấu, chỉ việc lấy địa chỉ của người khác để khai báo hoặc thậm chí là bịa ra những địa chỉ ma, số chứng minh nhân dân ma thì cũng có thể dễ dàng kích hoạt được mọi loại SIM.
Trả phí để chặn số
Trong vai một người bị quấy rối, chúng tôi đã gọi điện thoại đến các tổng đài của Viettel, Mobifone, Vinaphone... để nhờ hỗ trợ khóa số phá rối thì phần lớn đều nhận được câu trả lời yêu cầu đến các trung tâm chăm sóc khách hàng để điền vào tờ phiếu khiếu nại và kèm theo thông tin chi tiết (ngày, giờ, nội dung phá rối, số máy) của ít nhất 5 lần bị phá rối. Sau đó là... chờ nhà mạng liên lạc với người kia để cảnh cáo họ, nếu tiếp tục phá rối thì mới khóa số.
Theo phản ánh trên các diễn đàn công nghệ, thời gian cho đến khi kẻ phá rối bị ngừng cung cấp dịch vụ là từ 2-3 tuần. Nghĩa là, nạn nhân phải tiếp tục “chịu đựng” trong một thời gian khá dài. Hơn thế nữa, trong trường hợp kẻ phá rối đổi qua số máy khác hoặc dùng các dịch vụ không hiển thị số thì việc khiếu nại sẽ rất khó khăn hơn vì thiếu thông tin cho việc xử lý.
Tuy thế, theo đại diện của một nhà mạng, khi bị quấy rối, khách hàng không cần làm đơn mà hãy đăng ký sử dụng dịch vụ chặn số phá rối mà mỗi số bị chặn trong một tháng sẽ mất phí là 10.000 đồng. Cộng đồng mạng cho đến giờ vẫn chưa trả lời được câu hỏi tại sao các mạng di động không chặn ngay số phá rối theo yêu cầu của khách hàng mà lại bắt khách hàng phải trả phí để đăng ký chặn số phá rối?
Theo An Hương - Tố Lan ( VNN/ TG@)