Biết gì về ‘cúm cà chua’ hiếm gặp đang hoành hành ở Ấn Độ?

(PLO)- 3 bang ở Ấn Độ đã ghi nhận ca nhiễm cúm cà chua. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể bị nhầm lẫn với sốt xuất huyết, COVID-19, bệnh chikungunya.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi thế giới đang chống chọi với các làn sóng COVID-19 do các biến thể mới gây ra, Ấn Độ cũng đang phải đối phó với sự lây lan của một bệnh lạ gọi là bệnh cúm cà chua (tomato flu).

Bệnh cúm cà chua lần đầu tiên được xác định tại quận Kollam (bang Kerala) vào hồi đầu tháng 5. Tính đến ngày 26-7, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 82 trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm bệnh này, theo chuyên san y khoa The Lancet.

Cho đến nay, có 3 bang trong tổng số 28 bang ở Ấn Độ ghi nhận bệnh cúm là Kerala, Tamil Nadu và Odisha. Hiện tại, Sở Y tế Kerala đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để theo dõi sự lây lan của virus và ngăn chặn sự lây lan ra các khu vực khác ở Ấn Độ.

Cúm cà chua gây nổi mụn nước trên da giống tay chân miệng và đậu mùa khỉ. Ảnh: INDIA TODAY

Cúm cà chua gây nổi mụn nước trên da giống tay chân miệng và đậu mùa khỉ. Ảnh: INDIA TODAY

Theo The Lancet, đây là bệnh nhiễm virus hiếm gặp, là bệnh địa phương (endemic) và được cho là không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, lấy sự bùng phát của COVID-19 “làm gương”, cần hết sức thận trọng trong quản lý dịch bệnh, tránh để bùng dịch.

Sở dĩ có tên là cúm cà chua vì người bệnh sẽ mọc mụn nước đỏ trên khắp cơ thể, có thể gây ngứa và dần dần các mụn này sẽ nổi lên to bằng quả cà chua. Những mụn này giống với những mụn nước của những người mắc đậu mùa khỉ.

Mặc dù cúm cà chua có các triệu chứng tương tự như COVID-19, bao gồm sốt, mệt mỏi, đau người, phát ban, nhưng loại virus này không liên quan đến SARS- CoV-2. Theo The Lancet, virus gây bệnh có thể là một biến thể mới của bệnh tay chân miệng.

Báo cáo của The Lancet cho rằng đây là bệnh tự khỏi và hiện không có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh. Vì bệnh cúm cà chua có triệu chứng tương tự như bệnh chikungunya, sốt xuất huyết và tay chân miệng, nên việc điều trị cũng tương tự.

Theo đó, người bệnh cần cách ly, nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng miếng bọt biển tẩm nước nóng để chườm lên bớt ngứa. Ngoài ra, để cắt sốt hoặc đau cơ, người bệnh có thể dùng paracetamol hoặc các thuốc điều trị triệu chứng.

Bệnh này rất dễ lây lan, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh lây qua tiếp xúc gần và người lớn cũng có nguy cơ nhiễm bệnh nếu dịch bùng phát, do đó cần phải tuân thủ quy định cách ly nếu bị nhiễm bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm