Biết gì về HTS - nhóm phiến quân đang thổi bùng nội chiến Syria?

(PLO)- Nhóm phiến quân do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo đang thổi bùng nội chiến Syria khi kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và gây khó khăn cho quân chính phủ. Vậy nhóm này đã hình thành và phát triển như thế nào?

Những ngày qua, nội chiến Syria tái bùng phát với việc nhóm phiến quân ở tây bắc Syria đã gây chấn động khi phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng vào TP Aleppo - TP lớn thứ hai Syria - và bắt đầu tiến vào các khu vực khác. Diễn biến này làm nóng trở lại cuộc nội chiến Syria bắt đầu 13 năm trước và đã tạm lắng 8 năm qua.

Thông thường, những chiến binh nổi dậy phản đối chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad luôn là các nhóm phiến quân chắp vá và thường bất hòa với nhau. Nhưng lần này, phiến quân đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - một chi nhánh cũ của nhóm khủng bố Al Qaeda.

Dưới đây là thông tin cơ bản về HTS, cách nhóm này hình thành, phát triển và lý do dẫn đến làn sóng tấn công và làm tái bùng phát cuộc nội chiến Syria như hiện tại, theo tờ The New York Times.

HTS được thành lập như thế nào?

Hayat Tahrir al-Sham, tên tiếng Ả Rập có nghĩa là “Tổ chức Giải phóng Levant”, ra đời vào thời điểm nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, sau khi quân đội của ông Assad sử dụng biện pháp cứng rắn để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Khi nội chiến Syria leo thang, các phần tử thánh chiến dày dạn kinh nghiệm từ Iraq, có liên hệ với một nhóm tiền thân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã tràn qua biên giới Syria, lập nên một nhóm với tên gọi Mặt trận Al Nusra để chống lại lực lượng ủng hộ chính phủ.

Nhóm phiến quân chống chính phủ Syria di chuyển ở miền bắc Syria hôm 1-12. Nội chiến Syria bùng phát trở lại sau 8 năm tạm lắng. Ảnh: AFP

Nhóm cực đoan này nhanh chóng phát triển thành một trong những phe nổi dậy lớn và có ảnh hưởng nhất. Trong thời gian căng thẳng nhất của nội chiến Syria, nhóm này đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công và đánh bom tự sát vào các mục tiêu của chính phủ.

Hệ tư tưởng của nhóm này vẫn gần giống với hệ tư tưởng của tổ chức mẹ ở Iraq, đó là cam kết thiết lập một “vương quốc Hồi giáo” tại Syria. Tuy nhiên, vào năm 2013, Mặt trận Al Nusra xảy ra bất đồng với tổ chức ở Iraq khi tổ chức này ép Al Nusra sáp nhập. Al Nusra sau đó tuyên bố trung thành với Al Qaeda.

Tại sao HTS tách khỏi Al Qaeda?

Đến giữa năm 2016, Mặt trận Al Nusra đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham (HTS) và công khai cắt đứt quan hệ với Al Qaeda. Động thái này được cho là để tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế và trở nên dễ chấp nhận hơn trong mắt các nhóm nổi dậy khác ở Syria.

Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia phương Tây vẫn coi đây là tổ chức khủng bố. Dù vậy, HTS bắt đầu có cách tiếp cận thực dụng hơn, tập trung vào việc củng cố và quản lý các vùng lãnh thổ mình kiểm soát thay vì tiến hành các cuộc tấn công lớn chống lại lực lượng chính phủ.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tới tỉnh Idlib (Syria) vào năm 2017 nhằm giám sát một lệnh ngừng bắn tạm thời, lãnh đạo của HTS đã đồng ý hợp tác. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy HTS nhận ra nguy cơ lực lượng chính phủ có thể giành lại Idlib, bao gồm cả lãnh thổ mà HTS kiểm soát.

Cũng trong năm 2017, HTS hợp nhất với một số phe phái khác, bao gồm nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và một số nhóm ôn hòa. Động thái này đã vấp phải sự phản đối công khai từ các thủ lĩnh Al Qaeda.

Kể từ đó, HTS kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở phía Tây Bắc Syria, cạnh tranh với các nhóm khác để giành nguồn lực kinh tế và thường xuyên truy bắt những người có liên hệ với tổ chức IS, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố đầu năm nay.

Một chiến binh của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Nội chiến Syria bùng phát trở lại sau 8 năm tạm lắng. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

HTS làm gì với lãnh thổ mà họ kiểm soát?

Từ bỏ tham vọng thành lập một “vương quốc Hồi giáo”, những người đứng đầu HTS tuyên bố mục tiêu của tổ chức là thay thế chính phủ ông Assad bằng một chính quyền lấy cảm hứng từ các nguyên tắc Hồi giáo.

Dù sự khác biệt này có vẻ nhỏ, các nhà phân tích nhận định rằng chế độ cai trị mà nhóm này muốn thiết lập ít khắc nghiệt và giáo điều hơn so với IS - tổ chức từng áp đặt một chế độ đẫm máu ở các lãnh thổ do họ kiểm soát tại Iraq và Syria.

Thủ lĩnh Mohammed al-Jolani của HTS đã nỗ lực tìm kiếm tính chính danh bằng cách xây dựng một chính quyền cung cấp các dịch vụ hạn chế cho cư dân tại Idlib, đồng thời phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực.

Theo báo cáo của LHQ, nhóm này đã thuyết phục các lãnh đạo hội đồng làng tự nguyện chấp nhận quyền cai trị của nhóm và bắt chước một nhà nước bằng cách cấp thẻ căn cước cho người dân.

Tuy nhiên, nhóm này vẫn không được lòng dân. Người dân đã nhiều lần biểu tình phản đối các vụ bắt người tùy tiện, thuế cao, điều kiện sống khó khăn cũng như cách HTS xử lý những người bất đồng chính kiến.

Thời gian qua, HTS hợp tác với các tổ chức viện trợ phương Tây để đảm bảo viện trợ đến được tay người dân tại Idlib và cho phép các nhà báo cùng nhà nghiên cứu phương Tây đến thăm khu vực.

Dẫu vậy, nhóm này vẫn thất bại trong việc thiết lập quan hệ với hầu hết các cường quốc nước ngoài, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Robert Ford - cựu Đại sứ Mỹ tại Syria và hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ), các căn cứ và pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, cùng với pháo binh trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ (giáp Idlib), đã đóng vai trò như một vùng đệm bảo vệ các khu vực mà HTS chiếm đóng trước quân đội chính phủ Syria.

Viện trợ nhân đạo, khí đốt, vũ khí và thậm chí cả quân phục đều được chuyển vào Idlib từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích cho biết nhóm này và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngầm chia sẻ thông tin và tham vấn cho nhau.

Sau lệnh ngừng bắn năm 2020 do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, HTS đã tận dụng cơ hội để tái cấu trúc lực lượng.

HTS trở nên kỷ luật hơn và chuyên nghiệp hơn, với các chiến binh được huấn luyện và trang bị vũ khí tốt hơn. Các nhóm phiến quân khác trong khu vực dần đồng ý hợp tác với nhóm này.

“Lệnh ngừng bắn kéo dài càng lâu, [HTS] càng có thời gian để tổ chức lại, và giờ đây chúng ta chứng kiến khá nhiều thành công của họ” - ông Jerome Drevon, nhà phân tích tại viện nghiên cứu Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế đánh giá cục diện nội chiến Syria.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Không rõ liệu HTS có thể chiếm thêm lãnh thổ hoặc giữ vững những gì nhóm này đã đạt được hay không. Nhưng nếu duy trì quyền kiểm soát Aleppo, nhóm này có thể sẽ điều chỉnh phương pháp cai trị khu vực.

“HTS biết rõ rằng họ không thể cai trị Aleppo theo cách đã cai trị Idlib” - chuyên gia Dareen Khalifa tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nhận định, lưu ý rằng Aleppo ít bảo thủ hơn Idlib.

Bà Khalifa cũng cho rằng trong suốt lịch sử của nhóm, HTS đã luôn bị giằng co giữa các thành phần thực dụng và cứng rắn trong nội bộ. Thế nên, nếu mở rộng khu vực chiếm đóng, những mâu thuẫn này sẽ ngày càng lớn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới