Giải mã diễn biến thiết quân luật ở Hàn Quốc

(PLO)- Tuyên bố thiết quân luật đầy bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được cho là hệ quả của tổng hòa nhiều yếu tố mà ông phải đối mặt thời gian dài trong nhiệm kỳ của mình. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng hơn 6 tiếng sau khi ra lệnh thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã phải tuyên bố bãi bỏ lệnh này sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt tình trạng này.

Giọt nước tràn ly

Giới quan sát ví việc Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật như giọt nước tràn ly thể hiện sự bất mãn và bất lực của ông trước hoàn cảnh. Theo GS. Leif-Eric Easley, khoa Khoa học chính trị tại ĐH Ewha (Hàn Quốc), ông Yoon “giống như một chính trị gia đang bị bao vây, đưa ra một động thái tuyệt vọng chống lại việc ngày càng có nhiều bê bối, sự cản trở của thể chế và những lời kêu gọi luận tội, mà tất cả chúng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn”.

Trong bài phát biểu tuyên bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon cáo buộc quốc hội làm tê liệt đất nước khi khởi xướng nhiều cuộc luận tội, thao túng lập pháp và thao túng ngân sách. Ông Yoon gọi đó là “hành động chống nhà nước”, “âm mưu nổi loạn” và cần thiết phải thiết quân luật để xóa bỏ các thế lực chống phá nhà nước.

Đằng sau việc Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ thiết quân luật
Thành viên của đảng đối lập - đảng Dân chủ biểu tình trước tòa nhà quốc hội ngày 4-12. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sau cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc khóa 22, đảng đối lập - đảng Dân chủ vẫn giữ được thế đa số với 170 trong số 300 ghế. Cạnh đó, mối quan hệ không tốt đẹp giữa Tổng thống Yoon với các nhà lập pháp đảng đối lập và việc đảng đối lập luôn phản đối ông quyết liệt trong mọi chính sách càng làm chính phủ bế tắc. Điều đó cản trở sự thống nhất các mục tiêu của ông Yoon về ngân sách quốc gia, làm tê liệt chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp, cản trở nỗ lực cắt giảm thuế doanh nghiệp, cải tổ hệ thống lương hưu quốc gia và giải quyết vấn đề giá nhà ở.

Chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn khi đảng đối lập tiến hành luận tội một số quan chức cấp cao trong chính quyền ông Yoon mà một số nhà quan sát cho rằng dường như đây là một trò chơi chính trị đảng phái, nhằm hạ bệ lẫn nhau.

Gần đây nhất, cuối tháng 11, đảng đối lập đã đề xuất mở cuộc luận tội đối với Chủ tịch Ban Kiểm toán và Thanh tra Cho Jae-hae và ba công tố viên. Lúc đó, đảng Quyền lực Quốc dân - đảng cầm quyền của ông Yoon, đã cáo buộc đảng đối lập là "nghiện luận tội" khi đây là lần truy tố luận tội thứ 17 dưới thời chính quyền ông Yoon và là lần luận tội thứ 10 trong sáu tháng kể từ khi quốc hội khóa 22 bắt đầu.

Nhiệm kỳ của ông Yoon cũng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng và bê bối: Hàng ngàn bác sĩ trên khắp Hàn Quốc đình công vì điều kiện làm việc khắc nghiệt và mức lương thấp; vợ ông Yoon - đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee dính cáo buộc nhận hối lộ chiếc túi hàng hiệu Dior trị giá khoảng 2.250 USD cũng như thao túng cổ phiếu; Triều Tiên tăng cường động thái gây căng thẳng, trong đó có việc sửa Hiến pháp, gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”.

Viễn cảnh sự nghiệp ông Yoon?

Chia sẻ với tờ This Week in Asia, GS. Kang Won-taek, ngành Khoa học chính trị tại ĐH Quốc gia Seoul, cho rằng việc thiết quân luật là tính toán sai lầm tai hại của ông Yoon và hành động này là sự “tự sát về mặt chính trị", làm mất đi sự tôn trọng và quyền lực của một tổng thống. Theo ông Kang, dù sau đó đã quyết định dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật để làm giảm khả năng xảy ra bạo lực nhưng ông Yoon không xoa dịu được tình trạng bất ổn chính trị khi có sự đối đầu kéo dài giữa cơ quan hành pháp và lập pháp.

Ông Victor Cha, chủ tịch Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nói rằng việc cơ quan lập pháp nhanh chóng tập hợp để lật ngược lệnh thiết quân luật và việc nổ ra các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại một tổng thống đang có tỉ lệ ủng hộ rất thấp có thể báo hiệu dấu chấm hết trong sự nghiệp chính trị của ông Yoon.

Quân đội và cảnh sát bên ngoài trụ sở quốc hội Hàn Quốc khuya 3-12. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Quân đội và cảnh sát bên ngoài trụ sở quốc hội Hàn Quốc khuya 3-12. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Năm 2022, ông Yoon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỉ số rất sít sao, chỉ hơn ứng viên đảng đối lập khoảng 0,8%. Hồi tháng 6, một bản kiến ​​nghị trực tuyến yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon đăng trên trang web quốc hội Hàn Quốc đã thu hút hơn 1,1 triệu chữ ký ủng hộ của người dân. Tỉ lệ ủng hộ ông Yoon rất thấp khi các cuộc thăm dò của Gallup Korea cho thấy tỉ lệ này dao động trong khoảng 10 đến 20%.

Nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra bất ngờ và bối rối khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ra lệnh thiết quân luật. Dù có những lý giải khác nhau về nguyên nhân nhưng đều cho rằng đây hành vi vượt quá thẩm quyền pháp lý và là tính toán sai lầm về mặt chính trị, đe dọa đến nền dân chủ, kinh tế và an ninh của Hàn Quốc. Theo giới chuyên gia, động thái này sẽ đẩy sự nghiệp chính trị của ông Yoon đối mặt rủi ro nghiêm trọng.

Hiện tại, Tổng thống Yoon đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội khi trong ngày 4-12 các đảng đối lập đã chính thức trình lên quốc hội Hàn Quốc kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, quốc hội có quyền kiến nghị luận tội tổng thống hoặc các quan chức cấp cao khác nếu họ bị cho là "đã vi phạm hiến pháp hoặc bất kỳ luật nào khi thực hiện nhiệm vụ chính thức". Các nhà lập pháp đảng Dân chủ đối lập cáo buộc ông vi phạm nghĩa vụ hiến định và phạm tội tương tự như tội phản quốc.

Bản kiến nghị luận tội ông Yoon được 191 đại biểu đối lập thuộc 6 đảng, dẫn đầu là đảng Dân chủ vốn chiếm số ghế lớn nhất trong Quốc hội Hàn Quốc, thống nhất. Không có thành viên nào của đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền ủng hộ kiến nghị này.

Dự kiến quốc hội sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 5-12 và khả năng cuộc bỏ phiếu về kiến nghị luận tội sẽ diễn ra ngay trong ngày 6 hoặc 7-12.

Kiến nghị luận tội tổng thống cần có đa số hai phần ba phiếu bầu của các thành viên quốc hội, tức là cần 200 phiếu để thông qua và hiện đảng Dân chủ và các đảng nhỏ khác đã có 192 ghế. Một số thành viên của đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền của ông Yoon đã phản đối tuyên bố thiết quân luật của ông, nhưng không rõ có bao nhiêu người trong số đó sẽ ủng hộ việc luận tội tổng thống.

Nếu quốc hội thống nhất thông qua kiến nghị luận tội, tổng thống sẽ bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có kết quả phiên tòa luận tội của Tòa án Hiến pháp. Lúc đó, thủ tướng sẽ thay quyền tổng thống lãnh đạo đất nước. Còn nếu ông Yoon từ chức, thủ tướng sẽ đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống và một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.

Hàn Quốc đã 16 lần thiết quân luật

Hàn Quốc đã có 16 lần ban bố thiết quân luật kể từ khi nước này được thành lập vào năm 1948. Theo Điều 77 của Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống có thể ban bố thiết quân luật để ứng phó với chiến tranh, sự cố hoặc các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác. Có hai loại thiết quân luật là thiết quân luật khẩn cấp và an ninh.

Lệnh thiết quân luật gần đây nhất do Thủ tướng Choi Kyu-hah được ban hành vào ngày 27-10-1979 sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee - người đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1961.

Dưới áp lực của một nhóm tướng lĩnh quân đội do Tướng Chun Doo-hwan lãnh đạo, ông Choi, lúc này đã trở thành tổng thống, quyết định kéo dài thiết quân luật đến năm 1980 và cấm các đảng phái chính trị hoạt động, gây ra phản ứng dữ dội từ các lực lượng ủng hộ dân chủ. Trước khi thiết quân luật được dỡ bỏ vào năm 1981, hàng trăm người đã thiệt mạng trong những cuộc đàn áp trong khuôn khổ thiết quân luật.

Trước đó, trong thời gian cầm quyền của tổng thống Park Chung-hee (1961–1979), ông thỉnh thoảng ban bố thiết quân luật để đàn áp các cuộc biểu tình và bỏ tù những người chỉ trích ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm