Ngày 4-12, các nhà lập pháp Pháp đã thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, theo hãng tin Reuters.
Các nhà lập pháp thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đã liên kết với nhau, tạo thành một liên minh để thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm chống lại Thủ tướng Michel Barnier.
Kết quả 331 phiếu bất tín nhiệm đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Pháp non trẻ hiện tại.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier hiện buộc phải đệ đơn từ chức cùng với chính phủ của mình lên Tổng thống Emmanuel Macron, chấm dứt nhiệm kỳ chỉ kéo dài 3 tháng – ngắn nhất trong lịch sử nước Pháp từ năm 1958 đến nay.
Theo truyền thông Pháp, ông Barnier dự kiến sẽ thực hiện việc này vào sáng 5-12 (giờ Pháp).
Cả hai phe cực hữu và cánh tả đã chỉ trích ông Barnier vì lạm dụng các quyền lực hiến pháp đặc biệt để thông qua một phần ngân sách gây tranh cãi mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội, nơi chính phủ không nắm được thế đa số.
“Thâm hụt này sẽ không tự biến mất chỉ bằng một cuộc khiển trách” - ông Barnier phát biểu trước các nhà lập pháp, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ chính phủ kế nhiệm nào cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này.
Bình luận về kết quả trên, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) Marine Le Pen nói: “Tôi không coi đó là một chiến thắng. Chúng tôi đã đưa ra lựa chọn để bảo vệ người dân Pháp”.
Phần mình, ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng lớn nhất thuộc NPF, nhận định rằng kết quả trên là “không thể tránh khỏi” và kêu gọi Tổng thống Macron từ chức. Tuy nhiên, ông Macron đã bác bỏ khả năng này.