Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8-1, hàng Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc gần đây đưa ra những yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm.
Không còn là thị trường dễ tính
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng nông sản Việt. Đơn cử, xuất khẩu vải thiều của ta sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng đến 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long hơn 80%, cao su hơn 70%, dưa hấu hơn 90%… Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản. Nhưng yêu cầu về chất lượng hàng hóa của người dân nước này đã thay đổi.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương, nói: “Thời gian trước chúng tôi vẫn còn nghe đâu đó nói rằng thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính. Nhưng năm năm trở lại đây, nhận thức của nhiều người đã hoàn toàn thay đổi. Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Đơn cử như trong đại dịch vừa qua, toàn thế giới không ai yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với hàng hóa nhưng Trung Quốc đã tiến hành việc đó”.
Ông thông tin thêm, đến năm 2030 Trung Quốc dự báo có khoảng 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, có nghĩa là sức mua tương đương với sức mua của châu Âu. Song để thâm nhập thị trường này một cách bền vững, các công ty Việt cần hướng tới bỏ xuất khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà đã có nhiều thay đổi so với trước. Điển hình như nước này kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu hay còn gọi là tiểu ngạch; yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói…
Vì vậy, bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, Việt Nam cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng, vùng nuôi và thúc đẩy xúc tiến thương mại.
|
Doanh nghiệp chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: TÙNG ĐINH |
Vẫn còn không ít trở ngại
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận xét Việt Nam đang có nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến… sang Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy nhiên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cảnh báo khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là đến nay vẫn còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít… khó phát huy hết tiềm năng.
Một vấn đề nữa là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói của Trung Quốc còn lâu, ảnh hưởng đến kế hoạch của doanh nghiệp. Ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.
“Sầu riêng của Việt Nam mới được cấp 83 mã vùng trồng, 30 mã cơ sở đóng gói, trong khi đó nước láng giềng Thái Lan đã được cấp hàng ngàn mã dù diện tích sầu riêng của ta không kém Thái Lan. Điều đó khiến việc xuất khẩu sầu riêng của ta vẫn có trở ngại” - ông Nguyên dẫn chứng.
Ngoài vướng mắc trên, nhiều công ty Việt thừa nhận công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Lãnh đạo một tỉnh miền núi phía Bắc từng chia sẻ rằng tỉnh có hai sản phẩm trái cây chủ lực là xoài và nhãn, đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam. Thế nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xoài và nhãn sang Trung Quốc, muốn đăng ký thương hiệu tại nước này lại không được chấp thuận. Lý do ở Trung Quốc cũng có những thương hiệu đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký rồi.
Đề cập đến thực tế này, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương, kể từng chứng kiến rất nhiều người bán hàng sang Trung Quốc muốn đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình. Thế nhưng đến lúc đi đăng ký thì thương hiệu đó đã bị đăng ký mất rồi.
“Nếu coi Trung Quốc là thị trường quan trọng, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường” - ông Sơn nhấn mạnh.
Hợp lực lại để cạnh tranh với thế giới
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng các hiệp hội ngành hàng có thể ngồi lại với nhau bàn bạc, đánh giá lại ngành hàng của mình để tìm ra giải pháp muốn phát triển mạnh hơn nữa ở thị trường Trung Quốc thì cần làm gì nữa. Bộ NN&PTNT luôn mong muốn các hiệp hội hãy là người bạn đồng hành, giúp bộ và giúp bộ trưởng có được nhiều thông tin, sáng kiến, kế hoạch để định hình tốt hơn trong giao thương với thị trường Trung Quốc.
Bởi hiện nay không chỉ có Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Trung Quốc mà còn các nước ở Đông Nam Á, ở châu Mỹ Latinh... Do đó, ngoài sự cạnh tranh trong nước còn có sự cạnh tranh quốc tế. Tốt nhất là tất cả các bên cùng ngồi lại, hợp lực lại, đoàn kết lại để cạnh tranh với thế giới.
“Chúng ta cũng cần nắm được thông tin về những quốc gia có nông sản tương đồng với Việt Nam, về sản xuất, đóng gói, vận chuyển... Khi nắm được những thông tin đó thì mới có được thắng lợi, như một câu nói của người Trung Quốc “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Coi mỗi tỉnh là một thị trường nhỏ
Mỗi thị trường có một đặc thù riêng nên các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Trung Quốc cần theo hướng coi mỗi tỉnh là một thị trường nhỏ, chứ không nên coi tất cả Trung Quốc là chung một thị trường. Vì mỗi nơi họ có thói quen tiêu dùng khác nhau. Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp cận theo hướng này để tăng cường hơn nữa những tiềm năng thế mạnh hợp tác của cả hai bên.
Ông TÔ NGỌC SƠN, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi