Theo ông Hoạch, từ năm 1955 tổng công ty được giao tiếp quản và sử dụng căn nhà 107 Trần Hưng Đạo. Sau đó, tổng công ty giao cho Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 sử dụng cho đến nay. Tòa nhà có ba khối, mặt chính cao hai tầng, khối giữa là hội trường xây theo kiến trúc mái vòm, khối sau cùng là khu làm việc cao hai tầng. Công trình bị sập thuộc khối giữa.
Ngôi nhà đã được sữa chữa chống dột, sơn sửa, gia cố vào năm 1999. Về mặt hiện trạng, quá trình sử dụng công ty không thấy có vấn đề xuống cấp, chỉ bị dột nên hàng năm công ty vẫn tổ chức duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan chức năng nào cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tòa nhà. Trái lại, tòa nhà này được xác định thuộc danh mục biệt thự cổ do TP Hà Nội quản lý, đặc biệt chưa thuộc diện xuống cấp nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Ảnh: Viết Long
Cũng theo ông Hoạch, tổng công ty đã nhiều lần có báo cáo xin phép các cơ quan chức năng TP Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng (cải tạo hoàn toàn) tòa nhà này nhưng chưa được chấp thuận, vì nhà này thuộc nhà cổ phải bảo tồn. "Tất nhiên quá trình khai thác để nhà sập thuộc trách nhiệm của công ty, nhưng xác định mức độ nào thì các cơ quan quản lý cùng với các cơ quan chức năng sẽ làm rõ..."- ông Hoạch nói.
Lực lượng chức năng triển khai máy do tìm nạn nhân cuối cùng vụ sập tòa nhà. Ảnh: Viết Long
Như PLO đã đưa tin khoảng 12 giờ 45 ngày 22-9, một phần khu biệt thư cổ 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập. Vụ việc khiến hai người tử vong và sáu người bị thương. Vào thời điểm sập, toàn bộ nhân viên Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (đơn vị sử dụng nhà) đã kịp thoát ra ngoài do trước đó khu nhà có hiện tượng nứt và rung lắc. Những người bị nạn là người đi đường, buôn bán hoặc sống gần khu vực này.