Biệt thự nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Nha Trang...giảm 20-35% vẫn ế

(PLO)- Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam chưa thực sự khởi sắc, một số nơi công suất phòng chỉ đạt mức 30%, kém nhất khu vực Đông Nam Á.

Mới đây, Savills (đơn vị cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới) đưa ra nhận định về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Nhận định này cho thấy hoạt động kinh doanh tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở nước ta vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Trong khi đó, tại phần lớn các quốc gia trên thế giới, hoạt động kinh doanh khách sạn đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan ghi nhận mức độ khôi phục tốt.

bat-dong-san-nghi-duong.jpg
Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: T.L

Theo thống kê của Savills Hotels, kể từ năm 2016, tại Việt Nam, trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung – cao cấp tham gia vào thị trường lưu trú mỗi năm, nâng nguồn cung phòng tăng gấp đôi chỉ trong vòng sáu năm.

Thế nhưng tính đến tám tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường lưu trú Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%. Trong khi đó tại Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia tỉ lệ này đã vượt mốc hơn 50% và thậm chí Singapore gần đạt mức 75%.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, nhận định: Với mức công suất này, thị trường lưu trú Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%. Tuy nhiên, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh diễn ra không đồng đều. So với các điểm đến khác, Nha Trang – Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng.

Cụ thể, tại Phú Quốc, công suất phòng trung bình chỉ đạt mức 30%, là thị trường kém hiệu suất nhất khu vực Đông Nam Á. Thị trường TP.HCM và Hà Nội tuy vẫn còn thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch, song vẫn khôi phục công suất tốt hơn các thị trường ven biển và đạt mức công suất trung bình hơn 60%.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam phục hồi chậm, bên cạnh yếu tố nguồn cung dư thừa, ông Mauro Gasparotti cho rằng: Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mà không đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường địa phương. Thậm chí họ cho rằng các mô hình kinh doanh khách sạn đều như nhau cũng khiến việc kinh doanh sản phẩm này không hiệu quả. Bởi việc hấp tấp đầu tư vào sản phẩm này mà không tìm hiểu về lợi thế của từng địa phương đã khiến khả năng vận hành của dự án bị hạn chế khi đi vào hoàn thiện.

Nhìn chung, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn do mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã có hạ nhiệt song mức giảm không đáng kể, cộng thêm với hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện cũng góp phần khiến thanh khoản suy yếu.

Theo khảo sát của batdongsan.com, tại Phú Quốc có những căn biệt thự nghỉ dưỡng từng được rao bán thành công với mức giá lên đến 20 tỉ đồng/căn, thì hiện nay chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ từ 25 – 35%, tương ứng với mức giá rớt xuống còn khoảng 13-15 tỉ đồng/căn nhưng vẫn khó thoát hàng.

Tình trạng này cũng diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hoà), khi mà nhiều biệt thự từng được chào với giá 20-23 tỉ đồng vào năm 2021 thì giờ đây được rao bán với giá 16-18 tỉ đồng/căn, tức là giảm khoảng 20%. Hay như tại Quảng Ninh, có những căn biệt thự nghỉ dưỡng ở TP Hạ Long giảm tới 3-7 tỉ đồng/căn, giá chào bán chỉ còn khoảng 22-25 tỉ đồng/căn, thay vì mức giá 29-32 tỉ đồng/căn khi thị trường sôi động.

Hiện các cơ quan ban ngành cũng như các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực chung tay đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và kích cầu thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm