Động thái nới lỏng chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Từ đó, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng phục hồi sau thời gian dài ngủ đông.
Nhiều cơ hội khi khách du lịch ngày càng tăng
Sau gần ba năm kiên trì với chính sách “zero-COVID”, từ đầu tháng 12-2022, nhiều TP tại Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Động thái mở cửa lại nền kinh tế của Trung Quốc đang tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các nền kinh tế giao thương với thị trường rộng lớn này, trong đó có Việt Nam (VN).
Trước đó, trong giai đoạn dịch bệnh lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng cũng phần nào khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng thiếu đi động lực tăng trưởng.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà toàn cầu (Global Home), cho biết du lịch biển duyên hải miền Trung sống nhờ du khách, trong đó có lượng lớn là khách Trung Quốc. Lượng khách đông đảo sẽ giúp tạo lực đẩy, sức hút cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy khi Trung Quốc mở cửa sẽ tăng lượng khách du lịch, tăng giá trị khai thác BĐS nghỉ dưỡng, tạo thanh khoản tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Thành, thị trường BĐS nghỉ dưỡng thời điểm này vẫn rất khó khăn. Ba cái khó là trải qua dịch bệnh kéo dài khiến mất đi nhu cầu du lịch. Thứ hai, tình hình tài chính còn gặp nhiều thách thức. Thứ ba, khung pháp lý cho loại hình này chưa hoàn chỉnh.
“VN cần chuẩn bị tốt hình ảnh từ cửa khẩu biên giới, hàng không… để đón khách. Cần có đường dây nóng phản ánh trực tiếp lên Tổng cục Du lịch để phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời những sự việc tiêu cực xảy ra” - ông Thành góp ý.
Bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội phục hồi khi ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: M.LONG |
Các chuyên gia cũng cho rằng ngành cần sớm phục hồi mạng lưới những đường bay thường lệ, charter (bay trọn chuyến) từ Trung Quốc đến các thị trường Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp cần triển khai chiến dịch truyền thông hình ảnh du lịch VN trên mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, đánh giá trong năm 2023 quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng VN sẽ phụ thuộc vào việc tăng cường tần suất hoạt động các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là sự trở lại của lượng khách từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Bắc Á sẽ là yếu tố tác động tích cực. Sản phẩm nghỉ dưỡng có tác động tích cực cho sức khỏe, tinh thần cá nhân tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Theo thống kê, thị trường này có gần 200.000 đơn vị gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng…
Kỳ vọng tháo nút thắt pháp lý
Bên cạnh cơ hội phục hồi thì phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh. Cụ thể, trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung về giao dịch, kinh doanh các loại BĐS là công trình căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch…
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết khung pháp lý cho condotel là rất cần thiết nhưng trước hết Nhà nước, cơ quan soạn thảo luật phải xác định rõ mục đích của các dự án condotel là kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng hay kinh doanh BĐS.
“Trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Du lịch… phải nhắc tên, quy định địa vị pháp lý cho loại hình BĐS này thì mới quản lý thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo vướng mắc về sau” - luật sư Phượng nói.
Theo luật sư Phượng, nếu có pháp lý hoàn chỉnh, quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng lẫn chủ đầu tư rõ ràng thì thị trường mới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Duy Thành, CEO Global Home, cũng cho rằng chính sách, pháp lý được khơi thông sớm chắc chắn sẽ có sự bứt phá, tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.
“Trong luật cần có những quy định rõ về các loại hình BĐS nghỉ dưỡng mới như quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình condotel, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, đơn vị vận hành, việc chi trả các khoản cam kết lợi nhuận, tiến độ bàn giao... Khi pháp luật có quy định cụ thể sẽ góp phần tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng” - ông Thành đề xuất.
Ngoài ra, để đón lượng khách lớn, du lịch VN cần chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực đang thiếu. Thứ hai, các tỉnh, thành cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến quảng bá tốt hơn về du lịch để thu hút, tạo thiện cảm cho du khách.
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tăng
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS VN (VARS), năm 2022 phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước đón nhận hơn 19.124 sản phẩm mới. Nguồn cung chủ yếu từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.
Các sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng là phân khúc tâm điểm của thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng năm 2022.
Tuy nhiên, VARS nhận định lượng giao dịch sản phẩm căn hộ du lịch chưa tốt như kỳ vọng vì còn điểm nghẽn về pháp lý trong bối cảnh ngành du lịch chưa phục hồi. Theo nghiên cứu, mức giá bán sơ cấp dao động 17-167 triệu đồng/m2. Khu vực miền Nam ghi nhận nền giá cao nhất với mức 35-167 triệu đồng/m2. Tính chung cả năm 2022, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp tăng trung bình 12%-15% so với năm 2021.