Bất động sản nghỉ dưỡng 'ăn tiền' nhờ tiêu chí nào?

(PLO)- Bất động sản nghỉ dưỡng đang chững lại cả về tốc độ phát triển và thanh khoản nhưng sự giảm tốc này lại là dịp để các chủ đầu tư đánh giá thực trạng, qua đó xây dựng thị trường bền vững hơn. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, trong dự báo cáo về thị trường quý III/2022, khi nói về bất động sản nghỉ dưỡng, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thời gian tới đây vẫn là dòng sản phẩm nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Lý do là quỹ đất đẹp dành cho phân khúc này không còn nhiều.

Cam kết lợi nhuận khủng đang gặp thách thức

Trong quý III/2022, toàn thị trường có hơn 4.600 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới được chào bán, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2021 và 21,4% so với quý II/2022, tỉ lệ hấp thụ đạt khoảng 48%. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Nguồn cung bao gồm hàng tồn có số lượng khá lớn.

Trao đổi về triển vọng sản phẩm này trong năm 2023, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết: “Trong ba năm tới, ước tính sẽ có thêm 47.000 phòng (bao gồm dự án khách sạn và condotel) đi vào vận hành.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản thị trường kém sôi động, cùng với các chính sách thắt chặt tín dụng có thể sẽ khiến các dự án đang triển khai bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến.”

Theo khảo sát của Savills, hiện có khoảng 75% các dự án condotel và bất động sản hàng hiệu đã đi vào vận hành, thực hiện được cam kết lợi nhuận với chủ sở hữu. Tuy nhiên, do nguồn cầu sụt giảm và nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, những dự án đưa ra các cam kết quá lý tưởng đang gặp nhiều thách thức.

bất động sản nghỉ dưỡng

Bất động sản nghỉ dưỡng đáp ứng đúng tiêu chuẩn khách sạn sẽ tạo ra dòng tiền tốt hơn.

Dự án "bé hạt tiêu" có lợi thế hơn so với các ông lớn

Thị trường condotel tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2016 khi nhà đầu tư cá nhân đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của hoạt động du lịch. Nếu được hoạch định tốt, loại hình sản phẩm này có thể đem đến tiềm năng tăng trưởng giá trị vốn, đồng thời tạo ra dòng tiền từ việc vận hành cho thuê.

Mặc dù đây là phân khúc tiềm năng trong tương lai nhưng khi tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu cần phải nắm rõ ưu và nhược điểm của loại hình này. So với các sản phẩm bất động sản khác, ngành du lịch nghỉ dưỡng có tính biến động lớn, dễ bị tác động bởi các thay đổi về điều kiện kinh tế thị trường.

Việc hoạch định và triển khai thiếu cẩn trọng tạo ra nhiều rủi ro khi các dự án không đảm bảo được các yêu cầu về mặt vận hành, thiếu các tiện ích và tiện nghi cần thiết để phục vụ hoạt động kinh doanh cho thuê đáp ứng đúng tiêu chuẩn khách sạn.

"Những thiếu sót này gây ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh, khiến dự án, đặc biệt là với quy mô lớn khó vận hành hiệu quả cũng như tạo ra lợi nhuận từ hoạt động cho thuê.

Hiện nay, ngành du lịch nghỉ dưỡng vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, phần lớn các dự án đều gặp nhiều khó khăn để đáp ứng những kỳ vọng này của chủ sở hữu.

Những dự án có quy mô càng lớn thì việc vận hành càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trong giai đoạn này, những dự án quy mô nhỏ có ưu thế hơn trong việc vận hành, duy trì được lợi nhuận và giá trị tài sản” - ông Mauro chia sẻ thêm.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và các diễn biến thị trường trong thời gian qua đã làm chậm lại đà tăng trưởng của thị trường. Dẫu vậy, quá trình giảm tốc này lại mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này xem xét, đánh giá hiện trạng phát triển, đưa ra những cải thiện để củng cố và xây dựng thị trường bền vững hơn.

"Với những nguồn lực sẵn có, hoạt động kinh doanh khách sạn và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn" - ông Mauro nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm