Hôm 30-11, một người dân TP Cà Mau cho người đưa quan tài sang “mừng” hàng xóm khai trương quán cà phê. Sự việc “chướng mắt” này bắt nguồn từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trước đó giữa hai bên. Không ai chịu ai nên cuối cùng một bên đã chọn cách “mừng” rất phản cảm này để đáp trả.
Chiếc quan tài mừng hàng xóm khai trương quán cafe
Ở Quảng Nam hồi đầu tháng 11, để đòi giải quyết bồi thường đất thỏa đáng tại công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, người dân cũng mang quan tài đặt giữa đoạn thi công để gây sức ép với chính quyền.
Trước đó, còn rất nhiều vụ mà tấm áo cho người chết (áo quan) được người sống ưu tiên trong danh mục những công cụ bày tỏ thái độ phản đối của mình. Dường như họ hi vọng điều này sẽ có tác dụng như nhiều tấm gương “quan tài diễu phố” ở vài địa phương phía Bắc trước đó.
Những việc này, cơ quan chức năng đã vào cuộc, song cán cân giữa giải quyết sự vụ (thường là ở mức xử phạt hành chính) với hệ lụy tâm lý, tinh thần, tình cảm… trong dư luận vẫn còn rất lệch.
Đem di ảnh nạn nhân đến tòa
Một hiện tượng khác cũng khá phổ biến hiện nay đang diễn ra ngày càng nhiều tòa hình sự. Đó là mang di ảnh nạn nhân tới các phiên xử. Chưa có nghiên cứu nào xác thực mức độ ảnh hưởng của hành động này đến tâm lý người trên tòa, đặc biệt là thẩm phán. Tuy nhiên có thể tin rằng đó là những tác động không lấy gì làm tích cực, dù là với ai đi nữa.
Hai hiện tượng trên dù khác nhau về cách thể hiện nhưng cùng chung bản chất. Có thể thông cảm được trạng thái bức bối của các đối tượng nhưng việc làm này lại gây ngột ngạt cho nhà chức trách khi xử lý. Cộng thêm khả năng công luận có thể hồ nghi sự công tâm, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ bị chi phối một cách rất “mềm” nếu không có hướng xử lý mạnh hơn việc biểu dương lực lượng theo cách rất…liêu trai này.