Hãng tin Reuters đưa tin rằng ngày 30-8 Giáo sĩ Hồi giáo Moqtada al-Sadr xin lỗi người dân Iraq và kêu gọi người ủng hộ ông chấm dứt biểu tình ở Baghdad, nhằm làm dịu đi cuộc đối đầu chết chóc nhất thủ đô Iraq trong nhiều năm qua.
Giáo sĩ al-Sadr là người lãnh đạo phong trào Sadrist - một phong trào chính trị nhận được sự ủng hộ của các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite và cũng là phong trào giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội Iraq tại cuộc bầu cử tháng 10-2021.
Các cuộc đụng độ giữa nhóm vũ trang trung thành với ông với lực lượng an ninh Iraq và các đối thủ Hồi giáo dòng Shiite chủ yếu được Iran hậu thuẫn đã làm 22 người thiệt mạng.
Ông al-Sadr lên án bạo lực biểu tình và kêu gọi người ủng hộ nhanh chóng giải tán trong vòng một giờ.
“Đây không phải là một cuộc cách mạng vì nó đã mất đi tính hòa bình. Sự đổ máu của người Iraq là không thể chấp nhận” - ông al-Sadr lên tiếng.
|
Những người biểu tình ủng hộ ông Moqtada al-Sadr xung đột với lực lượng an ninh Iraq gần Vùng Xanh, thủ đô Baghdad (Iraq) ngày 30-8. Ảnh: REUTERS |
Đến 2 giờ chiều 30-8, những người ủng hộ ông al-Sadr rời khỏi khu vực Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, nơi họ đã chiếm giữ trong nhiều tuần.
Các cuộc xung đột giữa các phe phái đối lập ở Iraq diễn ra sau 10 tháng bế tắc chính trị kể từ cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10.
Các cuộc đụng độ xoay quanh những người trung thành với giáo sĩ al-Sadr. Ông al-Sadr tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc chống lại mọi ảnh hưởng của nước ngoài và đặc biệt là Iran, chống lại các nhóm chính trị và vũ trang do Iran hậu thuẫn.
Bạo lực bùng nổ sau khi ông al-Sadr tuyên bố sẽ rút khỏi mọi hoạt động chính trị. Lý do ông đưa ra là sự thất bại của các nhà lãnh đạo và các đảng phái Shiite khác trong việc cải tổ hệ thống quản lý tham nhũng.
Tổng thống Iraq - ông Barham Salih hoan nghênh việc chấm dứt bạo lực ban đầu sau bài phát biểu của ông al-Sadr. Tuy nhiên ông cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chính trị vẫn chưa kết thúc và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm để chấm dứt xung đột.
Ông Hadi al-Amiri - lãnh đạo phe đối lập với giáo sĩ Moqtada al-Sadr cũng nói rằng hành động của ông al-Sadr là dũng cảm và đáng được khen ngợi.