Pakistan lũ lụt kinh hoàng, mất mát quá nhiều

(PLO)- Pakistan đang cần được cứu trợ gấp để khắc phục thảm họa mưa lũ “chưa từng có trong 30 năm” làm hơn 1.100 người thiệt mạng và gây thiệt hại 10 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đợt mưa lũ “chưa từng có trong 30 năm” kéo dài hai tháng qua ở Pakistan theo như lời Thủ tướng Shehbaz Sharif, gây mất mát lớn về người và của. Thảm họa thiên nhiên chồng chất thêm khó khăn cho Pakistan vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức nặng nề về kinh tế.

1/3 đất nước chìm trong nước, hơn 1.100 người chết

Đợt mưa lũ bắt đầu từ tháng 6 và thời điểm này đã có tới 1/3 diện tích Pakistan chìm trong nước, theo lời Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan - bà Sherry Rehman nói với hãng tin TRT World (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa tuần trước.

Tôi chưa từng thấy sự tàn phá nào ở quy mô này. Rất khó để diễn đạt bằng những cụm từ mà chúng ta quen dùng, mưa gió mùa hay lũ lụt, dường như không mô tả hết được sự tàn phá và thảm họa mà chúng ta vẫn đang chứng kiến.

Ngoại trưởng Pakistan

BILAWAL BUTTO-ZARDARI

Các hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies công bố hôm 29-8 cho thấy quy mô của thảm họa - nhà cửa, ruộng đồng bị nhấn chìm hoàn toàn dọc theo sông Ấn (sông chính ở Pakistan), các TP Rajanpur và Rojhan ở tỉnh Punjab (tỉnh đông dân nhất của Pakistan). Sông Ấn đang có nguy cơ bị vỡ bờ khi dòng nước liên tục chảy xiết từ các nhánh sông ở phía bắc. Tỉnh Sindh ở phía nam và tỉnh Balochistan ở tây nam bị ảnh hưởng nặng nhất. Phần lớn tỉnh Sindh giờ là biển nước vô tận.

“Tất cả là một đại dương, không còn chỗ nào khô để bơm nước ra ngoài” - bà Rehman nói với hãng tin AFP ngày 29-8. Bộ trưởng Rehman thừa nhận với đài Deutsche Welle cuối tuần rồi rằng “lần đầu tiên chúng tôi phải triển khai hải quân đến hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Pakistan, vì phần lớn nó giống như một đại dương”.

Tính đến ngày 29-8, đã có 1.136 người chết, 1.634 người bị thương và khả năng thương vong sẽ còn tăng vì nhiều khu vực chưa được tiếp cận. Gần 950.000 căn nhà bị hư hại khiến 33 triệu người bị ảnh hưởng (khoảng 1/7 dân số), gần 740.000 gia súc chết, một lượng lớn hoa màu bị tàn phá. Gần 3.500 km đường, 149 cây cầu bị hư hại, theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Pakistan. Ước tính ban đầu lũ lụt đã làm Pakistan thiệt hại khoảng 10 tỉ USD, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal nói với hãng tin Reuters.

Trận lũ lụt năm nay có thể so sánh với thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất gần đây là năm 2010, có khi hơn 2.000 người chết và gần 1/5 diện tích Pakistan chìm trong nước. Hy vọng đang dồn về dự báo thời tiết mới nhất từ cơ quan khí tượng Pakistan ngày 29-8 rằng tuần này sẽ không có mưa lớn, theo AFP.

Đường sá ở huyện Charsadda thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (tây bắc Pakistan) chìm trong nước ngày 27-8. Ảnh: AFP

Đường sá ở huyện Charsadda thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (tây bắc Pakistan) chìm trong nước ngày 27-8. Ảnh: AFP

Cần được hỗ trợ gấp

Từ ngày 26-8, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi quốc tế giúp đỡ. Theo Bộ trưởng Iqbal, trước mắt Pakistan sẽ thiếu lương thực trầm trọng, xa hơn có thể mất năm năm để tái thiết, phục hồi quốc gia 242 triệu dân này.

Hiện nhiều nước đã chung tay cứu trợ Pakistan, theo trang tin Dawn. Bốn máy bay quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng cứu trợ đến TP Karachi (tỉnh Sindh). Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất điều hai máy bay quân sự chở hàng cứu trợ đến tỉnh Punjab. Trung Quốc cũng điều hai máy bay chở hàng cứu trợ sang Pakistan. Bahrain cũng thông báo chuyển sang một máy bay hàng cứu trợ. Hàng vận chuyển sang chủ yếu gồm lều, thuốc và thực phẩm. Bỉ thông báo sẽ cung cấp cho Pakistan 300 lều đủ cho 1.800 người trú tạm. Đại sứ quán Nhật tại Pakistan cứu trợ khẩn cấp (lều và tấm nhựa).

Thảm họa đến trong thời điểm nền kinh tế Pakistan đang rơi tự do, theo AFP. Nhiều tháng trước khi lũ lụt xảy ra, Pakistan đã phải vật lộn với vô số thách thức tương tự nhiều nước hiện tại: Hết tiền, nợ công cao, lạm phát cao, lương thực, thực phẩm khủng hoảng cả nguồn cung và giá cả. Thảm họa càng làm cho mọi thứ khó khăn hơn. Giá các mặt hàng cơ bản tăng không ngừng khi đứt nguồn cung từ các địa phương bị lũ lụt nặng như tỉnh Sindh và tỉnh Punjab. Rõ ràng thời gian tới Pakistan sẽ cần nhiều tiền hơn nữa để tái thiết và hỗ trợ dân khôi phục cuộc sống.

Ngày 29-8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) họp quyết định xem có bật đèn xanh nối lại chương trình cho vay Quỹ Mở rộng (EFF) cho Pakistan trả nợ nước ngoài hay không. Pakistan tham gia chương trình từ năm 2019 nhưng tới nay chỉ một nửa số tiền được giải ngân do không duy trì được các mục tiêu theo đúng tiến độ và yêu cầu của IMF.

Dawn dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismal ngày 29-8 cho biết IMF đã duyệt khôi phục chương trình. Theo đó, Pakistan sẽ được nhận đợt tiền thứ bảy và thứ tám trị giá 1,17 tỉ USD. Tiếp đó, IMF có thể cung cấp cho Pakistan 4 tỉ USD trong thời gian còn lại của năm tài chính hiện tại. Bên cạnh đó, hiện Pakistan và các đối tác - bao gồm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á - đang đánh giá thiệt hại để xác định quy mô hỗ trợ.•

“Pakistan là nạn nhân của sự phát triển vô trách nhiệm của các nước giàu”

Mưa gió mùa hằng năm rất cần thiết cho việc tưới tiêu cây trồng và bổ sung nước các hồ và đập trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ nhưng cũng có thể trở thành thiên tai như năm nay.

“Những gì chúng tôi chứng kiến lúc này là một đại dương nước nhấn chìm toàn bộ các quận, huyện. Điều này khác rất xa so với gió mùa bình thường - đó là sự bất ổn về khí hậu” - Bộ trưởng Khí hậu Sherry Rehman nói với hãng tin AFP ngày 29-8.

Theo bà, Pakistan đang phải đối mặt với chu kỳ mưa gió mùa thứ tám, một điều bất thường ở một quốc gia thường chứng kiến khoảng 3-4 đợt mưa như vậy mỗi năm.

“Chúng ta đang ở vùng bình địa tuyến đầu của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đã thấy từ đầu năm nay, từ một loạt các đợt nắng nóng không ngừng, cháy rừng, lũ quét, nhiều sự kiện bùng vỡ hồ băng và bây giờ là cơn gió mùa quái vật của cả thập niên” - bà Rehman nói.

Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Butto-Zardari phàn nàn rằng Pakistan đang phải gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu, trong khi các quốc gia khác có lượng khí thải carbon lớn hơn không làm gì để giảm lượng khí thải của nước họ.

“Pakistan thải một lượng không đáng kể vào tổng lượng khí thải carbon nhưng chúng tôi đang bị tàn phá vì những thảm họa khí hậu như thế này hết lần này đến lần khác và chúng tôi phải thích ứng với nguồn lực hạn chế của mình” - Ngoại trưởng Butto-Zardari phản ứng.

Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal cho rằng thế giới mắc nợ Pakistan, quốc gia đang là nạn nhân của sự biến đổi khí hậu do “sự phát triển vô trách nhiệm của các nước giàu “. Theo ông, “cộng đồng quốc tế có trách nhiệm giúp đỡ chúng tôi, nâng cấp cơ sở hạ tầng của chúng tôi để làm cho cơ sở hạ tầng của chúng tôi có khả năng chống chịu với khí hậu tốt hơn, để chúng tôi không phải chịu những thiệt hại như vậy sau mỗi ba, bốn, năm năm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm