Biểu tượng quốc gia có cần phải cao nhất?

Thời gian qua, ở nước ta có nhiều công trình, dự án không dùng vốn từ ngân sách nhà nước mà huy động từ nguồn xã hội hóa. Điều này đáp ứng được yêu cầu phát triển khi mà nguồn lực công phải tập trung vào các dự án trọng điểm, phục vụ đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện xã hội hóa vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.

Được du di và tạo điều kiện

Có quan niệm cho rằng khi xây dựng các công trình từ vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp (DN) tư nhân thì phải được tự do hơn trong thiết kế kỹ thuật, tổ chức không gian và được châm chước trong nhiều chuyện liên quan đến pháp lý, môi trường, chỉ tiêu quy hoạch và kiến trúc. Chẳng hạn như công trình lấn, lấp sông Đồng Nai, công trình xây “tháp truyền hình cao nhất thế giới” ở trung tâm thủ đô và trước đó nhiều công trình cao tầng khác ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Sự biện minh ở đây là Nhà nước có bỏ ra đồng xu nào đâu, các DN hảo tâm làm chuyện thiện nguyện thì nên du di, cần khuyến khích. Làm như thế mới động viên được nguồn lực của các mạnh thường quân. Chuyện này cũng thường diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, văn hóa.

Thực tế khi xem xét các công trình xã hội như nhà ở cho người thu nhập thấp, công trình giáo dục, y tế phục vụ cho người nghèo, phục vụ tái định cư… thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các hội đồng xét duyệt có tính đến yếu tố du di này. Có lẽ vì vậy mà không ít DN lợi dụng việc này để “ép” chính quyền, mặc cả, ra điều kiện, mè nheo, lấn dần từng bước, dồn các cơ quan chức năng vào thế bí kiểu như nếu không chấp thuận điều kiện của tôi thì tôi sẽ không làm.

Cách đặt vấn đề “muốn gì cũng được” là hoàn toàn không đúng, bởi vì nói cho cùng thì tiền nào cũng là tiền của quốc gia phát hành, mọi sự lãng phí dưới bất cứ hình thức nào là điều không nên.

 
Trong tâm thức của con dân nước Việt, Tháp Rùa giữa Hồ Gươm chính là biểu tượng thật sự của đất nước mình. Ảnh: INTERNET

Xã hội hóa cũng phải tuân thủ quy chuẩn chung

Nên nhớ, dù có sử dụng vốn xã hội hóa thì cũng phải sử dụng đến tài sản công, tài nguyên của đất nước, của nhân dân như đất đai, sông nước, chưa kể đến việc phải huy động các bộ phận chức năng công phục vụ cho các loại công trình này.

Sau nữa, ở các công trình loại này thường được đặt ở các điểm có lợi thế, ở những khu đất vàng của trung tâm TP (như tháp truyền hình ở Hà Nội, như công trình “Ngọn hải đăng Marina” trên sông Hàn ở Đà Nẵng hay dự án khách sạn trên đồi Vọng Cảnh ở Huế…). Vì vậy các công trình này phải đáp ứng được các chức năng cần thiết, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt và cả sự tán đồng của xã hội. Bởi lẽ nó ít nhiều gì cũng tác động đến đời sống nhân dân trong thời gian thi công và sau khi hoàn thành, về cả giá trị hữu hình và vô hình. Nhiều công trình làm xong người dân trong khu vực rơi vào cảnh sống dở chết dở, “đi không được, ở không xong”, bởi nhà cửa bị nứt, lún, trở thành hầm, ồn ào, ô nhiễm…

Cần nói thêm là các nhà đầu tư bỏ tiền ra cho các công trình công ích có thật sự “thiện tâm” và “vô tư” không? Câu trả lời là có nhưng không nhiều. Họ bỏ tiền ra không để chơi cho vui mà đều trong tầm tính toán cả đấy. Họ đầu tư hôm nay nhưng sẽ tính đến việc khai thác chính công trình đó vào ngày mai. Họ “biếu không” dự án này nhưng sẽ nhận được sự ưu đãi để nhằm đến những dự án khác béo bở hơn, hay chí ít thì cũng gây được tiếng vang đánh bóng tên tuổi.

Khi vụ sơn nhà bưu điện TP.HCM lùm xùm, có hàng chục hãng sơn đến gặp Hội Kiến trúc sư TP xin được “khắc phục sự cố” miễn phí. Họ nguyện sơn lại toàn bộ tòa nhà với bất kỳ đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nào đưa ra, miễn là ghi được dấu ấn, tên tuổi vào công trình và “sự cố để đời” này.

Biểu tượng không cần phải cao nhất, to nhất

Cuối cùng, nên bàn một chút đến “biểu tượng quốc gia”.

Trong khoảng 15 năm trở lại đây có rất nhiều chủ đầu tư, nhà tư vấn kiến trúc khi xây một công trình cao tầng (thường là trên 30 tầng) với một hình dạng (hình khối, màu sắc, vật liệu) khác lạ (từ chuyên môn gọi là dị dạng), điều lạ là họ thường tuyên bố rằng công trình đó sẽ là biểu tượng của TP, biểu tượng của quốc gia. Theo năm tháng, người dân sẽ trả lời rằng nó có phải là biểu tượng hay không, cho dù tần số xuất hiện dày đặc trên truyền hình, báo chí.

Thực tế tuyên bố thì nhiều (chẳng hạn như Keangnam ở Hà Nội, Saigon Trade Center, Saigon Pearl… ở TP.HCM) nhưng có rất ít công trình đạt đến mức biểu tượng. Cho đến nay duy nhất chỉ có tòa cao ốc Financial Tower (Bitexco) gây được ấn tượng mạnh của mọi người nhưng nói nó có đạt được biểu tượng quốc gia hay không thì… chưa chắc. Bởi dù nói nó mang hình bông sen nhưng hình ảnh đọng lại trong mắt người dân chỉ là một kiểu dáng lạ. Người ta khó mà hình dung ra một bông sen biểu tượng truyền thống dân tộc trong tiềm thức của mọi người như mong muốn.

Biểu tượng không phụ thuộc vào quy mô hoành tráng, chiều cao chọc thủng trời xanh mà ở chỗ ý nghĩa của nó mang lại. Chợ Bến Thành giữa trung tâm TP.HCM, Tháp Rùa giữa Hồ Gươm thật nhỏ bé nhưng lại là biểu tượng thật sự của TP, của quốc gia. Hay như bức tượng sư tử biển bên bờ vịnh Marina có lớn lắm đâu mà người ta vẫn gọi tên Đảo quốc Sư tử khi nhắc đến Singapore…

Cuộc đua biểu tượng bằng chiều cao nhất, quy mô hoành tráng nhất của Việt Nam sẽ khó vượt lên trên so với thế giới. Nó sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và chẳng mang lại ý nghĩa gì. Thậm chí nó còn bị hạ thấp nếu đó lại là sản phẩm của một nước nghèo muốn hơn người bằng “tư duy lùn”.

TS NGUYỄN MINH HÒA, Phó Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm