Đất có pháp lý rõ ràng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “chính chủ” nhưng bị lấn chiếm và xây nhiều nhà không phép rồi bán cho người dân vào ở. Đó là trường hợp dở khóc dở mếu của ông Lại Triệu Long (ấp 2A) và bà Vũ Đức Vầy (ấp 6), xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Các vụ việc xảy ra, tồn tại nhiều năm và đã được chính quyền địa phương xử lý cưỡng chế, trả lại mặt bằng cho các khổ chủ.
17 căn nhà “vô tư” mọc trên đất người khác
Năm 2014, ông Lại Triệu Long nhận chuyển nhượng khu đất nông nghiệp hơn 2.000 m2 tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A. Năm 2016, ông được Sở TN&MT TP.HCM cấp giấy đỏ, mục đích sử dụng đất trên giấy này ghi là đất trồng cây lâu năm. Khu vực nơi có đất đang quy hoạch là đất nông nghiệp.
Năm 2018, lúc đến thăm đất, ông Long tá hỏa phát hiện có tới 11 căn nhà mọc lên trên đất. Phần đất trong cũng bị xẻ nhỏ thành hàng chục nền đất, dựng gạch sẵn và đang được rao bán. Ông Long lập tức làm đơn phản ánh tới xã Vĩnh Lộc A và huyện Bình Chánh. Sau đó, ông nhận được phản hồi của xã Vĩnh Lộc A cho biết sẽ mời chủ căn nhà xây “lụi” đến xã, lập hồ sơ xử lý, khắc phục hậu quả xong trong ngày 15-7-2018.
Tuy nhiên, đến năm 2019, mọi thứ vẫn y nguyên dù ông Long lên huyện, xuống xã rất nhiều lần. Tháng 7-2019, Pháp Luật TP.HCM có bài viết phản ánh về hàng loạt căn nhà xây “lụi” trên đất người khác. Ngay khi bài viết khởi đăng, UBND TP đã vào cuộc chỉ đạo huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, phải đến ba năm sau, tháng 5-2022, 11 căn nhà xây trái phép trên đất của ông Lại Triệu Long mới được tháo dỡ.
Tương tự là trường hợp của bà Vũ Đức Vầy ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A. Năm 2004, bà Vầy được huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 5.000 m2, mục đích sử dụng là đất nông nghiệp.
Năm 2010, bà Vầy bán 1.000 m2 bằng giấy tay cho một người khác. Người này sau đó phân lô trái phép và bán cho nhiều người khác. Năm 2018, gia đình bà Vầy phát hiện có nhiều căn nhà xây “lụi” trên đất của mình. Con trai bà Vầy là ông Lâm Thanh Tú đã có đơn gửi phản ánh lên huyện Bình Chánh. Sau đó, xã Vĩnh Lộc A cũng có kiểm tra, báo cáo nhưng vẫn không xử lý.
Cả hai trường hợp nêu trên, báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết phản ánh (“Bình Chánh: Cả chục căn nhà xây “lụi” trên đất người khác” đăng trên số báo ngày 25-7-2019 và “Dân báo nhà xây không phép, xã chậm xử lý” đăng ngày 21-1-2021).
|
Bảy công trình xây “lụi” trên đất của bà Vũ Đức Vầy tại ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đã được tháo dỡ sau nhiều năm tồn tại. Ảnh: VIỆT HOA |
Đã hoàn thành việc cưỡng chế 19 căn nhà xây trái phép
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết hai trường hợp vi phạm tại khu đất của ông Lại Triệu Long và bà Vũ Đức Vầy nằm trong trường hợp các công trình vi phạm về lĩnh vực đất đai có quy mô lớn trên địa bàn xã. Trong các kết luận của Thanh tra TP, công trình có ảnh hưởng lớn đến dư luận không tốt trong thời gian qua và được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện.
Đối với khu đất của ông Lại Triệu Long, năm 2019 huyện Bình Chánh đã có quyết định thụ lý tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của UBND xã Vĩnh Lộc A. Năm 2020, UBND huyện Bình Chánh có kết luận về nội dung tố cáo này.
“Sau khi thẩm tra hồ sơ xác định vị trí khu đất vi phạm, UBND xã đã tiến hành lập chín hồ sơ vi phạm hành chính với 11 công trình vi phạm. Xã cũng đã ban hành các quyết định và phương án về tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình vi phạm tại khu đất của ông Lại Triệu Long” - UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết. Đến ngày 17-5-2022, lực lượng chức năng của xã đã cưỡng chế toàn bộ công trình xây trái phép này.
Đối với trường hợp của bà Vũ Đức Vầy, năm 2019 xã Vĩnh Lộc A đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp. Diện tích đất vi phạm 500 m2, diện tích xây dựng 716 m2, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch, mái tôn. Tổng cộng gồm bảy công trình có thời điểm vi phạm từ năm 2011 đến 2018.
Cùng với đó, xã Vĩnh Lộc A ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đối tượng vi phạm không chấp hành. Đến tháng 3-2022, xã Vĩnh Lộc A tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm trên đất của bà Vầy. Đến ngày 17-5 - 2022, toàn bộ các công trình vi phạm này đã bị cưỡng chế tháo dỡ •
Cắm biển để cảnh báo cho người dân
Theo UBND xã Vĩnh Lộc A, trong quá trình tổ chức thực hiện cưỡng chế, xã đã chủ động tìm thuê phòng trọ để hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi công tác cưỡng chế. Tuy nhiên, người vi phạm từ chối nhận hỗ trợ, cam kết tự di dời và chịu trách nhiệm. Đoàn cưỡng chế cũng đã hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản đến nơi các hộ dân chỉ định.
Sau khi thực hiện cưỡng chế, xã Vĩnh Lộc A đã ban hành các thông báo về việc tiếp tục giám sát công trình đã cưỡng chế khắc phục hậu quả gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể, Tổ quản lý trật tự đô thị xã, trưởng ấp để tiếp tục giám sát, không để công trình xây dựng tái vi phạm.
Xã này cũng tiến hành cắm các biển cảnh báo các khu đất không phù hợp quy hoạch để xây dựng nhà ở. Theo đó, nghiêm cấm: Phân lô, bán nền trái pháp luật; san lấp, xây móng, xây ranh giữ đất, xây dựng không phép. Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.