Bình Định xem xét thu hồi dự án treo khiến dân khốn khổ

(PLO)- Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định đang xem xét, đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại, TP Quy Nhơn. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin với PLO, ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho biết ban đang xúc tiến làm việc với nhà đầu tư để có cơ sở thu hồi dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại tại TP Quy Nhơn.

Dự án này do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư, được thực hiện trên diện tích hơn 30 ha, có tổng mức đầu tư gần 800 tỉ đồng.

thu hồi.jpg
Dự án có diện tích 30 ha thuộc xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: THU DỊU

Theo hồ sơ, dự án trên bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng đầu năm 2023. Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách sáu đợt đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án.

UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định làm việc với nhà đầu tư, thực hiện chi trả tiền đền bù cho người dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Vĩnh Sơn, ban đã nhiều lần làm việc nhưng nhà đầu tư vẫn chưa ứng tiền với lý do là UBND tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 của dự án.

Đến ngày 28-3, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 dự án này nhưng chủ đầu tư vẫn không tạm ứng chi trả đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. Do đó, Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định đang làm việc với chủ đầu tư để có cơ sở thu hồi dự án.

"Chúng tôi cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí ngân sách để chi trả bồi thường việc thu hồi đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án" - ông Sơn thông tin thêm.

nhà dân.jpg
Người dân bức xúc phản ánh nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa do vướng dự án treo. Ảnh: THU DỊU

Ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, thông tin có 87 hộ ở địa phương này có đất bị thu hồi, bị ảnh hưởng bởi dự án.

"Bà con nhiều lần kiến nghị, yêu cầu tỉnh sớm có câu trả lời dứt khoát việc thu hồi đất thực hiện dự án. Trước đó đã có các chủ đầu tư đến thực hiện những dự án khác rồi sau đó lại "biệt tích". Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng người dân không dám đầu tư sửa chữa; việc nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị ảnh hưởng rất lớn"- ông Thường nói.

Nhiều người dân bức xúc phản ánh nhiều năm nay dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp cũng không được sửa chữa do nằm trong vùng dự án. Do không an cư được nên đời sống của người dân nơi đây ngày càng khó khăn. Nhiều hộ dân mòn mỏi chờ đợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng để ổn định cuộc sống nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm