Bình Dương: Chính thức công bố Tân Uyên lên thành phố

Bình Dương: Chính thức công bố Tân Uyên lên thành phố

(PLO)- Thị xã Tân Uyên lên thành phố, Bình Dương có tổng cộng 4 thành phố.

Ngày 12-4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc thành lập TP Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết cho lãnh đạo TP Tân Uyên. Ảnh: LÊ ÁNH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết cho lãnh đạo TP Tân Uyên. Ảnh: LÊ ÁNH

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và địa phương.

Kỳ vọng thành phố trẻ Tân Uyên phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới

Khi thị xã Tân Uyên lên thành phố thì tỉnh Bình Dương có tổng cộng 4 thành phố (TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An và TP Tân Uyên).

Như vậy cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương là một trong hai tỉnh có số lượng thành phố nhiều nhất cả nước.

Lãnh đạo Trung ương và địa phương nhấn nút khởi động TP Tân Uyên. Ảnh: LÊ ÁNH

Lãnh đạo Trung ương và địa phương nhấn nút khởi động TP Tân Uyên. Ảnh: LÊ ÁNH

Đến thời điểm hiện tại Bình Dương có 9 huyện, thị xã, thành phố. Hiện thị xã Bến Cát cũng đang làm đề án để thành lập thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Tân Uyên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LÊ ÁNH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LÊ ÁNH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng hi vọng lãnh đạo và nhân dân TP Tân Uyên sẽ phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng TP Tân Uyên ngày một phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo TP Tân Uyên cần bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội để chăm lo đời sống cho số lượng lớn lao động nhập cư.

"Với nội lực mạnh mẽ, tiềm năng sẵn có và nhiều điều kiện thuận lợi, tôi mong rằng chính quyền, nhân dân thành phố trẻ Tân Uyên sẽ nỗ lực hơn nữa để chung tay xây dựng địa phương phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

TP Tân Uyên có 2 khu công nghiệp lớn

TP Tân Uyên nằm ở phía Đông Nam của Bình Dương, tiếp giáp với TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

TP Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp lớn nhất Bình Dương và cả nước. Ảnh: LÊ ÁNH

TP Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp lớn nhất Bình Dương và cả nước. Ảnh: LÊ ÁNH

Với vị trí địa lý đặc biệt, TP Tân Uyên là địa bàn quan trọng của Bình Dương cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội.

Đồng thời, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Bên cạnh đó, TP Tân Uyên có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh được thuận lợi.

TP Tân Uyên còn có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.

Theo ông Bùi Minh Trí, Bí thư thành ủy Tân Uyên, thời gian qua tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm. Trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu.

Trong năm 2022, TP Tân Uyên có thêm 287 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 989 tỷ đồng, 10 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 54,43 triệu USD.

Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tiến hành khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Vsip 3, tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD. Ảnh: LÊ ÁNH
Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tiến hành khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Vsip 3, tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD. Ảnh: LÊ ÁNH

Hiện nay, TP Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng (tăng 12,08% so với năm 2021).

TP Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp Vsip lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045 ha và Khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường kết nối vùng đi qua TP Tân Uyên

Cũng theo ông Bùi Minh Trí, Bí thư thành ủy Tân Uyên, những năm qua, Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại.

TP Tân Uyên có nhiều tuyến đường kết nối vùng đi qua. Ảnh: LÊ ÁNH

TP Tân Uyên có nhiều tuyến đường kết nối vùng đi qua. Ảnh: LÊ ÁNH

TP Tân Uyên mới khởi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối khu công nghiệp Vsip III. Ảnh: LÊ ÁNH

TP Tân Uyên mới khởi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối khu công nghiệp Vsip III. Ảnh: LÊ ÁNH

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi.

Đặc biệt, các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên.

Đường vào xã Bạch Đằng, nơi đang phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị. Ảnh: LÊ ÁNH

Đường vào xã Bạch Đằng, nơi đang phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị. Ảnh: LÊ ÁNH

Ông Trí cho biết thêm, trong thời gian tới TP Tân Uyên sẽ phát triển thương mại, dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế chủ đạo. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chất lượng cao.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo bước đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn kết với tiến trình đô thị hóa theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Đáng chú ý, TP Tân Uyên sẽ phát triển xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chính của thành phố theo mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị.

Ngày 17-11-2004, Chính Phủ ban hành Nghị định 190 điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các xã thuộc huyện Tân Uyên. Thời điểm đó huyện Tân Uyên gồm 22 đơn vị hành chính.

TP Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính (10 phường và 2 xã). Ảnh: LA

TP Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính (10 phường và 2 xã). Ảnh: LA

Đến ngày 29-12-2013, thực hiện Nghị quyết số 136 của Chính phủ, huyện Tân Uyên được chia thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, thị xã Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính trực thuộc (6 phường và 6 xã).

Đến năm 2016, thị xã Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngày 20-11-2018, thị xã Tân Uyên được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương.

Đến ngày 10-1-2020, các xã Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Hội Nghĩa được nâng cấp lên phường (10 phường, 2 xã).

Tháng 2-2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất và ban hành Nghị quyết số 725 “Thành lập TP Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương” có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2023.

TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích 191,76 km2, dân số 466.053 người, có 12 đơn vị hành chính (10 phường và 2 xã).

Đọc thêm