Bình Dương: Người dân kêu cứu vì đất bị sạt lở từng ngày

Hơn ba năm nay, hơn chục hộ dân hai bên bờ suối Đòn Gánh thuộc ấp Hố Muôn (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), đã bất lực khi từng ngày nhìn đất đai, cây trồng của gia đình bị dòng nước lớn cuốn đi.

Hiện tượng sạt lở ở hai bên bờ suối Đòn Gánh xảy ra từ khi là con mương thoát nước nhỏ, được chủ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bàu Bàng lắp những ống cống lớn cho thoát nước về đây.

Ông Nguyễn Văn Bảo cho biết trước đây chỉ là mương nước nhỏ, lượng nước rất ít. Ảnh: LÊ ÁNH

Đất và cây trồng liên tục bị nước lớn cuốn đi.

Theo ghi nhận củaPLO, hai bên bờ suối Đòn Gánh tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Hiện nay, một phần đất và cây trồng của người dân bị sạt lở đã bị nước cuốn trôi.

Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nước đang ăn vào đất của người dân khá nghiêm trọng, rễ của các cây cao su trơ ra, mất chân. Và chỉ nay mai nếu có mưa lớn, nước đổ về nhiều thì số cây cao su này chắc chắn sẽ lại bị cuốn trôi.

Tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, đất đai và cây trồng của nước dân sẽ tiếp tục bị cuốn trôi. Ảnh: LÊ ÁNH

Tình trạng sạt lở này nghiêm trọng hơn ở hạ nguồn. Để khắc phục tạm thời, một số hộ dân đã dùng cọc tre làm hàng rào để chống sạt lở nhưng cũng không mấy khả quan.

Lòng suối thì ngày một lớn, diện tích đất của người dân đang có nguy cơ bị thu hẹp. Thế nhưng suốt hơn ba năm qua chính quyền địa phương vẫn chưa khắc phục được tình trạng này cho người dân.

Theo những người dân hai bên bờ suối này, trước đây không phải là một con suối lớn như bây giờ mà chỉ là một khe nước nhỏ, chỉ cần hơn một bước chân là có thể bước qua bờ bên kia. Phía đầu nguồn của con suối này là rừng cao su và chưa bị bê tông hóa nên lượng nước đổ về đây rất ít.

Ba ống cống lớn được chủ đầu tư KCN xây dựng để thoát nước. Ảnh: LÊ ÁNH

Chỉ cần một cơn mưa nữa, những cây cao su này cũng sẽ bị cuốn đi. Ảnh: LÊ ÁNH

Sự việc sạt lở bắt đầu vào cuối năm 2018, khi chủ đầu tư khu công nghiệp Bàu Bàng cho mở rộng, lắp thêm những cống thoát nước lớn ở con suối này. Nước mưa đổ dồn từ mọi nơi về đây khiến lưu lượng nước nhiều dâng cao, áp lực nước rất lớn nên mới dẫn đến tình trạng này.  

Một người dân búc xúc nói: “Nếu đây là con suối tự nhiên, trước nay vẫn có nước lớn như vậy thì chúng tôi không nói làm gì. Nhưng đây là do tác động của khu công nghiệp nên chính quyền và chủ đầu tư phải xem lại việc này”.

Có vốn nhưng chưa thể xây dựng.

Trao đổi với ông Nguyễn Công Quan, Chủ tịch UBND xã Long Nguyên về vấn đề này, ông Quan cho biết đã nhiều lần họp dân để thông qua phương án gia cố chống sạt lở đất hai bên suối Đòn Gánh. Các hộ dân có liên quan đều đồng ý, chỉ riêng có hộ bà Lê Thị Hà và ông Nguyễn Văn Bảo (hai hộ dân có đất sát đường ĐT 749C, ngay đầu miệng cống thoát) là không đồng ý.

Tình trạng sạt lở đang dần lấn vào gần đến nhà ở của người dân. Ảnh: LÊ ÁNH

Giải thích về vấn đề này, ông Quan cũng cho hay hai hộ dân trên yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp -Becamex IDC phải đền bù cho phần đất lấy để xây dựng. Còn phía công ty này lại cho rằng, nếu nằm trong đất của KCN thì sẽ đền bù, còn đây là đất ngoài KCN nên không giải quyết.

“Việc xây dựng bờ kè chống sạt lở là thuộc UBND huyện Bàu Bàng quản lý. Trách nhiệm của địa phương là vận động người dân hợp tác để nhanh chóng thi công khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, còn hai hộ dân không đồng ý thì công trình vẫn chưa thể thi công”, ông Quan nói.

Ông Quan cũng cho biết thêm: “Vào năm 2020, UBND huyện cũng đã có vốn để xây dựng công trình này nhưng do người dân chưa đồng ý nên không thể triển khai. Chúng tôi đang xin ý kiến UBND huyện, tuần tới sẽ tiếp tục làm việc với người dân để tìm phương án giải quyết. Vận động hai gia đình hợp tác với chính quyền địa phương để nhanh chóng xây dựng”.

Mặc dù một số người dân đóng cọc tre để bảo vệ đất, nhưng khi nước lớn đổ về vẫn cuốn đi rất nhiều đất. Ảnh: LÊ ÁNH

Theo ông Bảo và bà Hà, lý do họ không đồng ý là vì diện tích đất lấy để làm công trình quá nhiều nên đơn vị chủ đầu tư KCN phải đền bù.

Cũng theo hai hộ dân này, nếu như đây là dòng chảy tự nhiên hiện hữu thì chúng tôi chấp nhận. Nhưng trước đây, khu vực này chỉ là khe nước nhỏ, rất ít nước đổ về đây. Đến khi khu công nghiệp xây dựng mới xảy ra tình trạng này.

“Ban đầu, UBND xã vận động chúng tôi hiến hơn 3 mét để xây dựng bờ kè chống sạt lở thì chúng tôi đồng ý. Nhưng khi đơn vị thi công xuống đưa bản vẽ, thì khu vực ngay đất của nhà tôi và nhà ông Bảo là vị trí xây dựng bể lắng. Nếu xây dựng bể lắng thì lấy rất nhiều đất của nhà tôi. Nếu vậy chúng tôi chỉ cho 3 mét, phần còn lại thì phải có phương án đền bù thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho người dân”, bà Hà nói.

Cũng cùng quan điểm của bà Hà, ông Bảo cho rằng: “Chúng tôi rất muốn hợp tác với chính quyền địa phương để xây dựng bờ kè để chống sạt lở, nhưng nếu lấy đất quá nhiều thì phải đền bù cho người dân. Vì hiện tượng sạt lở là không phải tự nhiên, mà do xây dựng khu công nghiệp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm