Trong hai ngày 13 và 14-11 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".
Bình Dương tập trung phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo
Diễn đàn hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số của Việt Nam, tập trung vào 2 định hướng phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung và cầu về kinh tế số, chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông với các Bộ ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, với sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và sẽ đạt 25% vào năm 2025, đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bình Dương đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Tổng Công ty Becamex IDC.
Với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và giảm tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực Logistics cũng được Bình Dương chú trọng với các giải pháp tự động hóa kho bãi và dịch vụ giao nhận, nhằm giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ; thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới cũng là hướng đi quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, Bình Dương đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng số và các hoạt động thương mại điện tử, mở rộng thị trường và kết nối với các nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, bán dẫn cũng là ưu tiên chiến lược của Bình Dương.
Bình Dương đang hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, nhằm thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng; góp phần hình thành một vùng động lực công nghệ cao kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Võ Văn Minh nhấn mạnh: “Bình Dương đang phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ chất lượng cao, với định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo đóng vai trò nòng cốt”.
Trung tâm dữ liệu và kết nối thông minh hỗ trợ sản xuất
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đầu ngành, diễn giả đã chia sẻ những xu hướng, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và xa hơn.
Trình bày chủ đề "Chuyển đổi số công nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Becamex IDC", ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh cho biết, Becamex IDC đầu tư vào mạng lưới hạ tầng số hiện đại, bao gồm trung tâm dữ liệu và kết nối thông minh để hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất.
Các công nghệ IoT và AI được áp dụng để giám sát, tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình, nâng cao năng suất và độ chính xác trong sản xuất. Becamex xây dựng hệ sinh thái số kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy sự cộng tác và nâng cao khả năng cạnh tranh cho toàn bộ khu công nghiệp.
Song song đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số, triển khai các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ, giúp nhân viên thích ứng và vận hành hiệu quả các công nghệ mới trong môi trường số hóa.
Hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng khẳng định, để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu và là động lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, hợp tác hiệu quả theo mô hình nhà nước-nhà nghiên cứu-nhà doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tự tin tiến ra chiếm lĩnh các thị trường quốc tế.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển nhân lực số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi và Đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn.