Lần đầu tiên ở các giải đấu chính thức, thầy trò ông Park Hang-seo mới để thua trong một trận đấu với cách biệt lớn hai bàn như thế. Cũng là lần đầu tiên tại Asiad 18, thủ môn Bùi Tiến Dũng bị lọt lướt và phải ba lần nhặt bóng đưa lên vạch giữa sân.
So với lần đụng độ hồi đầu năm mà U-23 Việt Nam bị thua ngược 1-2, Hàn Quốc thay máu gần hết đội hình với lực lượng mạnh hơn, nhất là nhóm 3/4 cầu thủ trên 23 tuổi vừa tham dự World Cup 2018. Trong khi đó, Olympic Việt Nam giữ gần nguyên vẹn thành phần từng dự giải U-23 châu Á, chỉ có thêm Văn Quyết, Anh Đức và Minh Vương. Vì thế, những giải pháp lên giây cót tinh thần cho học trò ông Park mang nhiều ý nghĩa động viên hơn là gom nhiều hy vọng gây sốc ở trận bán kết.
Siêu dự bị Minh Vương có pha ghi bàn độc vào lưới Hàn Quốc. Ảnh: HUY PHẠM
Trong sự thua thiệt mọi mặt, từ sức khỏe đến trình độ, các tuyển thủ Olympic Việt Nam vẫn giữ cho mình một thái độ điềm tĩnh, đặc biệt là 20 phút cuối trận có những lúc khiến cho Hàn Quốc run rẩy.
Học trò ông Park thay đổi trạng thái chơi bóng từ co cụm phòng ngự sang kiên nhẫn tổ chức tấn công sau cú sút phạt đẹp như mơ của siêu dự bị Minh Vương ở phút 70.
Khi ai cũng nghĩ Quang Hải sẽ sút như hồi đá thủng lưới Uzbekistan từ ngoài vòng 16,50 m như trong trận chung kết U-23 châu Á thì bất thần Minh Vương ra chân. Quả bóng vẽ một đường cong mềm mại qua hàng rào chắn màu trắng rồi ngoan ngoãn đáp vào góc xa khung thành. Chàng thủ môn tội nghiệp Jo Hyeon-woo mới chơi World Cup đã bay người hết cỡ vẫn không tài nào chạm tay vào bóng. Anh nằm yên, gục mặt xuống mặt cỏ thất vọng như để che giấu đi sự mắc cỡ. HLV Kim Hak-bum ngồi trên ghế kỹ thuật lấm lét kinh ngạc vì không ngờ bị thủng lưới từ một cú sút thần sầu của Minh Vương.
HLV Park Hang-seo luôn cho thấy sự tinh tế trong những lần thay người. Ảnh: HUY PHẠM
Có bàn gỡ 1-3, các tuyển thủ Olympic Việt Nam vùng dậy mạnh mẽ trong thế không còn gì để mất. Họ chơi dồn ép Hàn Quốc về sân nhà với nhiều thời điểm lúng túng chống đỡ các pha hãm thành.
Trong 20 phút cuối bùng nổ ấy, không may cho các chân sút Việt Nam quá nôn nóng để trôi đi một vài cơ hội ghi bàn. Như lúc Công Phượng solo giữa hàng thủ áo trắng rồi chơi rất đồng đội chuyền cho Văn Thanh trống trải nhưng tiếc là pha đỡ bóng lỗi khiến anh không thể sút cận thành. Cũng là Công Phượng đi bóng tự tin sở trường mà pha kết thúc quá hiền.
Đáng nói là những tình huống dẫn đến bàn thắng hay suýt thành bàn đều xuất phát từ các siêu dự bị bởi sự tinh tế trong tuyệt chiêu của ông Park. Lúc người ta nghĩ ông thầy Hàn sẽ tung Văn Toàn vào sân để gây đột biến như ba trận đấu anh từng làm trước đó thì ông lại cho Minh Vương ra sân.
Olympic Việt Nam thua một đối thủ mạnh hơn toàn diện không có gì phải xấu hổ cả. Ảnh: HUY PHẠM
Cũng cần biết Minh Vương lấy suất vé vớt vào đội Olympic Việt Nam khi chẳng may Thành Chung bị chấn thương và mới lần thứ hai ra sân từ ghế dự bị, sau một lần đá vài chục phút thay người trong trận gặp Nepal vòng bảng. Hay như Công Phượng ở trận trước đá chính thì lần này ông Park cho ngồi dự bị dưỡng sức chờ khuấy đảo Hàn Quốc vào cuối trận.
Ở những thời khắc quyết định cần có bàn thắng, ông Park đều thỏa mãn với các học trò ra sân từ ghế dự bị. Như trong trận thắng Bahrain vòng 16 đội, ông cho Công Phượng vào sau để ghi bàn cũng nhờ một dự bị thay người khác là Văn Toàn tạo ra thời cơ vàng.
Đến trận tứ kết thắng Syria, lại là Văn Toàn trở thành người hùng ra sân từ ghế dự bị. Trận bán kết thua nhà đương kim vô địch Hàn Quốc 1-3, dấu ấn lớn nhất vẫn là cách thay người hiệu quả với cú sút thành bàn của Minh Vương - một cầu thủ HA Gia Lai khác.