Sau chín năm thực hiện chương trình bình ổn giá, TP.HCM đã thực sự tạo được hiệu quả lớn, không chỉ về các chỉ số kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn lan tỏa tới các doanh nghiệp (DN) về việc chăm lo đời sống an sinh xã hội của nhân dân.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại Hội nghị tổng kết chín năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM được tổ chức sáng 6-4.
Hàng bán được nhiều
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc SaiGon Co.op, cho biết kinh nghiệm rút ra sau chín năm thực hiện chương trình là làm thế nào mở rộng điểm bán hàng càng sâu rộng trong các khu dân cư càng tốt. Chính điều này sẽ quyết định sự phát triển của DN vì nó giúp DN phục vụ người tiêu dùng và mở rộng thị phần.
Cũng là một DN tích cực tham gia chương trình, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho rằng không chỉ người dân được hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá mà chính DN cũng mở rộng được thị phần từ chương trình này. Uy tín của DN tăng lên, người tiêu dùng tin tưởng, hàng bán được nhiều, giúp giảm chi phí và qua đó lại giảm giá thành, hỗ trợ ngược lại cho người tiêu dùng. Vì vậy, tham gia chương trình này, các DN cũng làm tốt vai trò vừa thúc đẩy sản xuất chăn nuôi, vừa thúc đẩy tiêu dùng. Năm 2011, Vissan sẽ đi theo mô hình mới là mở những điểm bán hàng hiện đại ngay trong chợ truyền thống, tạo giá trị tăng thêm để người dân thành phố được hưởng lợi, qua đó làm phong phú thêm kênh bán hàng cho DN.
Sau chín năm thực hiện, chương trình bình ổn giá trở thành công cụ điều tiết giá cả thiết thực. Ảnh: THANH HẢI
Đại diện Công ty Cổ phần May Sài Gòn 2 cho biết tham gia chương trình này doanh số đã tăng 150% so với trước, số điểm bán hàng cũng ở rộng.
Công cụ điều tiết giá, thúc đẩy sản xuất
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết sau chín năm tổ chức, chương trình bình ổn giá ngày càng có sức lan tỏa với đông đảo DN trong thành phố tham gia, trở thành công cụ điều tiết giá cả thiết thực, sức lan tỏa từ việc dẫn dắt giá của các mặt hàng thiết yếu với lượng hàng dồi dào, giá cả hợp lý. Qua đó, hạn chế được tình trang đầu cơ, tăng giá đột biến, bình ổn thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định sau hơn 20 năm đổi mới, TP.HCM luôn dẫn đầu đổi mới từ cách nghĩ, cách làm. Năm 2011, TP đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, đi đầu trong xã hội hóa đầu tư và phong trào cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt phong trào tiết kiệm xăng dầu, tiết kiệm điện, nước… cho đến công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân thông qua chương trình bình ổn giá. Sau chín năm thực hiện chương trình bình ổn giá, TP.HCM đã thực sự tạo được hiệu quả lớn, không chỉ về các chỉ số kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội lớn lan tỏa tới các DN về việc chăm lo đời sống an sinh xã hội của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng: Nhờ bình ổn giá, CPI của TP.HCM luôn thấp hơn cả nước . Qua chín năm thực hiện bình ổn giá, cái được lớn nhất từ chương trình này là gì, thưa bà? Năm 2010 vừa qua TP đã chăm lo đến “cái mặc” trong mùa tựu trường, đối tượng cần ưu tiên quan tâm trước nhất là quần áo đồng phục đến trường của các em học sinh, cặp, sách vở… Và năm 2011, TP mở rộng sang mặt hàng thuốc chữa bệnh. Lần đầu tiên TP mở rộng bình ổn giá đối với thuốc Tây sản xuất trong nước, bước đầu có bốn DN được chọn tham gia bình ổn đối với 30 nhóm mặt hàng thuốc chữa bệnh. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, TP cũng đã yêu cầu các địa phương chăm lo đến cả nơi ăn, chốn ở của công nhân, sinh viên. Hiện hai địa phương điển hình là Thủ Đức và Bình Tân đã vận động hàng ngàn hộ gia đình cam kết không tăng giá phòng trọ cho công nhân và sinh viên thuê. Có thể nhìn thấy rõ hiệu quả của chương trình qua những con số cụ thể. CPI của TP trong những năm qua luôn thấp hơn mức tăng chung của cả nước: Năm 2010, cả nước là 11,75%, trong khi TP giữ được ở mức một con số (9,58%), thấp hơn nhiều so với mức tăng giá chung của cả nước. Ba tháng đầu năm 2011, cả nước đã tăng 6,17%, trong khi đó TP tăng 4,89%. . Kế hoạch từ nay đến năm 2015, chương trình bình ổn sẽ mở rộng thêm các mặt hàng khác không, thưa bà? + Từ nay đến năm 2015, TP sẽ tiếp tục mở rộng các nhóm hàng bình ổn, là những mặt hàng thiết yếu với đời sống của người dân TP, trong đó có xem xét mặt hàng sữa. Từ năm 2011 đến 2015, trong bối cảnh thế giới khủng hoảng dầu, lương thực, chính trị nên trọng tâm của TP là tiếp tục hỗ trợ DN thuộc các thành phần kinh tế, đổi mới, cải tiến thiết bị, phát triển sản xuất, hạ giá thành, hợp vệ sinh, giá cả hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… |
THANH HẢI