Bình Phước: Siết chặt quản lý không để người dân tộc thiểu số bị lừa bán đất

(PLO)- Để có tiền mua sắm, sinh hoạt một số người đồng bào dân tộc thiểu số đã cầm cố, vay tiền, bán đất rồi mất đất sản xuất, nghèo lại càng nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước có công văn chỉ đạo các ngành, các đơn vị địa phương tăng cường các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số cầm cố, vay lãi nặng bán đất diễn ra khá phổ biến ở Bình Phước. Ảnh: LÊ ÁNH

Tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số cầm cố, vay lãi nặng bán đất diễn ra khá phổ biến ở Bình Phước. Ảnh: LÊ ÁNH

Theo bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, thời gian vừa qua tình trạng vay lãi cao, cầm cố đất, mua bán đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp. Nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa đảo mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Trước thực trạng đó, bà Minh đã có văn bản yêu cầu các ngành và các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, ngăn chặn tình trạng vay lãi nặng, lừa đảo cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Cụ thể, phía Sở TN&MT có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các hộ được giao đất, cho thuê đất do nhà nước hỗ trợ từ các chương trình, chính sách những năm trước và đất sau quy hoạch ba loại rừng.

Các ngành, chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc cây điều. Qua đó, lồng ghép tuyên truyền cho người dân không bán điều non, vay lãi nặng và bán đất. Ảnh: TT

Các ngành, chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc cây điều. Qua đó, lồng ghép tuyên truyền cho người dân không bán điều non, vay lãi nặng và bán đất. Ảnh: TT

Phía ban Dân tộc tăng cường công tác tuyên truyền vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, nắm rõ quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch về đất đai, góp phần giảm thiểu tình trạng người dân tộc thiểu số bị lừa đảo.

Các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất liên quan đến người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa gạt, chiếm đoạt quyền sử dụng đất.

Vay tiền, cầm cố để rồi mất hết đất

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra thực trạng người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết, đã vay tiền với lãi suất cao. Nhiều người cầm cố cả điều non và đất đai chỉ với mục địch lấy tiền mua sắm, chi tiêu sinh hoạt.

Người dân chỉ suy nghĩ đơn giản là chờ lúc thu hoạch tiêu, điều để bán lấy tiền trả nợ. Thế nhưng, có nhiều hộ bị mất mùa dẫn đến thất thu không có tiền để trả nợ. Lúc này, những hộ dân này đành phải lấy đất gán nợ hoặc bán đất với giá rẻ để trả nợ.

Khi đó, toàn bộ đất sản xuất bị bán hết dẫn đến người đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất, rơi vào cảnh túng quẫn, nghèo lại càng nghèo.

Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Phước, hiện nay có khoảng gần 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non với diện tích trên 870 ha, trị giá trên 56 tỉ đồng. Cũng theo thống kê này có khoảng 100 hộ dân cầm cố, sang nhượng đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 118 ha, trị giá hơn hơn 27 tỉ đồng. Có đến 76 hộ vay tiền lãi suất cao, số tiền hơn 6,5 tỉ đồng, lãi suất 25% đến 50%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm