Bình Thuận chỉ đạo giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân khi đóng tiền sử dụng đất

(PLO)- Khi người dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn nhiều lần so với thời điểm nhận đất ở.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về xử lý các trường hợp người dân được Nhà nước giao đất ở, đất tái định cư nhưng chưa hoàn tất thủ tục.

Xây nhà ở ổn định nhưng chưa ban hành quyết định giao đất

Theo đó, thời gian trước đây, trong quá trình triển khai các dự án, công trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đã được Nhà nước thu hồi đất, bố trí đất ở, có thông báo vị trí đất hoặc có biên bản cắm mốc, giao đất tại thực địa.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Nhiều người dân sau khi nhận đất ở đã xây dựng nhà ở ổn định nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất.

Một số người dân được Nhà nước giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, đã nhận đất tại thực địa, xây nhà ở ổn định nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn còn nợ tiền sử dụng đất. Ảnh: PHƯƠNG NAM.
Một số người dân được Nhà nước giao đất ở có thu tiền sử dụng đất đã nhận đất tại thực địa, xây nhà ở ổn định nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn còn nợ tiền sử dụng đất. Ảnh: PHƯƠNG NAM.

Một số trường hợp người dân được Nhà nước giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, đã nhận đất tại thực địa, xây nhà ở ổn định nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn còn nợ tiền sử dụng đất.

Khi người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) thì phải đóng tiền sử dụng đất tại thời điểm ban hành Quyết định giao đất với số tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính cao hơn nhiều lần so với tiền sử dụng đất thời điểm nhận đất ở. Điều này khiến người dân gặp khó khăn.

Rất nhiều trường hợp không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, không được cấp GCN nên các quyền của người sử dụng đất bị hạn chế (chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng,...).

Nhiều trường hợp người dân không thực hiện được thủ tục xây dựng, sửa chữa,... làm phát sinh bức xúc, phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

“Để xảy ra thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là khuyết điểm của các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức có liên quan. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, một bộ phận công chức, viên chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao”- Thông báo nêu.

Giải quyết có kết quả “thấu tình, đạt lý”

Nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân có liên quan, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần tập trung giải quyết có kết quả “thấu tình, đạt lý”, không để kéo dài.

Đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc kê khai, thống kê đầy đủ theo từng nhóm các trường hợp được Nhà nước thu hồi đất, giao đất ở, đất tái định cư,… nhưng chưa hoàn tất các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật để có phương án giải quyết cụ thể.

Những vấn đề không thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tổng hợp, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho chủ trương giải quyết. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh thành lập Tổ theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

nguoi-dan (1).jpg
Nhiều trường hợp thu hồi đất để làm đường Hùng Vương hoàn thành từ lâu nhưng vẫn chưa được bố trí tái định cư. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với các sở, ngành trên cơ sở tổng hợp đầy đủ thông tin nêu trên, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, khẩn trương rà soát, phân loại cụ thể từng trường hợp; xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của người dân để có giải pháp giải quyết từng trường hợp theo thẩm quyền; báo cáo tỉnh các trường hợp vượt thẩm quyền.

Đối với những trường hợp đã đủ điều kiện thì sớm cấp GCN cho người dân, hoàn thành trong quý I-2024, không để kéo dài.

"Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua từng thời kỳ, từng giai đoạn xảy ra thiếu sót nêu trên…"- Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu.

Ngoài tình trạng trên, hiện nay nhiều trường hợp người dân thắng kiện, án đã có hiệu lực pháp luật từ lâu nhưng vẫn chưa được giao đất tái định cư như trường hợp bà Trần Thị Ngọc (ngụ phường Phú Thủy, TP Phan Thiết).

Tháng 12-2004, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2a, phường Phú Thủy. Đến tháng 3-2005, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết ra quyết định thu hồi đất để làm đường Hùng Vương đi qua dự án này, trong đó có 50 m2 đất của bà Ngọc nhưng lại quy chủ... cho người khác.

Tháng 8-2016, UBND TP Phan Thiết ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ căn nhà của bà Ngọc và chỉ chấp nhận hỗ trợ cho bà 17 triệu đồng. Bà Ngọc khởi kiện và ngày 19-5-2020, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên hủy một phần và hủy toàn bộ các quyết định thu hồi đất, phương án hỗ trợ liên quan đến diện tích 50m2 đất của bà Ngọc.

TAND tỉnh buộc UBND TP Phan Thiết phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm