Ngày 10-10, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký quyết định phê duyệt phương án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại núi Tàu (Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận).
Giấc mơ vàng
Người xây dựng và thực hiện phương án thăm dò là ông Trần Văn Tiệp, ngụ Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Đây là lần thứ ba kể từ năm 1993 đến nay ông Tiệp được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò, khai thác kho báu núi Tàu. Hai lần trước, ông Tiệp đã bỏ ra hàng ngàn cây vàng thuê đánh chất nổ, đào bới băm nát núi Tàu nhưng cuộc truy tìm kho báu vẫn vô vọng. Thế nhưng niềm tin về kho báu khổng lồ này vẫn không tắt. Từ năm 2009 ông Tiệp tiếp tục làm đơn xin thăm dò và nay đã được phê duyệt.
Ông Tiệp được thăm dò trong thời gian 270 ngày kể từ ngày 10-10-2011. Tổng dự toán chi phí hơn 3,3 tỉ đồng, trong đó số tiền ký quỹ là 500 triệu đồng nhằm cam kết thực hiện việc hoàn thổ, trả lại nguyên hiện trạng khu vực thăm dò. Số tiền này sẽ được hoàn trả sau khi ông đã thực hiện đúng cam kết.
Khu vực thăm dò nằm từ đỉnh trở về triền phía đông núi Tàu, ở độ cao 50-110 m so với mực nước biển. Chủ dự án sẽ được khoan thăm dò trong năm điểm (mỗi vị trí khoan sâu tối đa 35 m), theo tọa độ đã được xác định, trong phạm vi khoảng 2.400 m2. Ông Tiệp được khoan hai giếng nước để lấy nước bơm dẫn lên năm vị trí đặt máy khoan. Trước mắt, ông Tiệp phải hợp đồng với đơn vị chuyên trách để rà soát bom mìn, chất độc hóa học trong phạm vi 5.000 m2 và hợp đồng với các đơn vị chức năng để đảm bảo an ninh trật tự suốt thời gian thực hiện phương án. Các máy móc, thiết bị được phép đưa lên núi Tàu (qua con đường trước đây ông Tiệp đã mở) gồm: Một máy khoan đặc chủng, hai máy đào, hai máy ủi, một xe ben, một xe bồn, một máy phát điện 100 KVA, một máy dự phòng để cung cấp đủ nguồn điện cho hoạt động thăm dò và các thiết bị kỹ thuật khác.
Công trường khai thác kho báu trên đỉnh núi Tàu. (Ảnh chụp năm 1994) Ảnh: Tư liệu
Con đường do ông Tiệp bỏ kinh phí ra thi công dẫn lên đỉnh núi. Ảnh: Tư liệu
Kho báu… 100 tỉ USD?
Theo ông Trần Văn Tiệp, hiện ông đang giữ trong tay tấm mật đồ kho báu núi Tàu hay còn gọi là kho báu Yamashita và có bút tích nhân chứng cung cấp cho ông về kho báu này từ nửa thế kỷ trước. Theo đó, kho báu nói trên có 4.000 tấn vàng cùng một số lượng lớn châu báu trị giá khoảng 100 tỉ USD. Tướng Nhật Tomoyuki Yamashita trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ hai đã vận chuyển tài sản vơ vét được từ các đền chùa, ngân hàng, viện bảo tàng ở các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về núi Tàu ở Việt Nam chôn giấu. Theo những tài liệu mà ông Tiệp cung cấp thì nơi nghi tài sản chôn giấu không phải là khối đá tự nhiên mà có sự tác động, sắp xếp và ngụy trang của con người. Hiện ông Tiệp và các cộng sự đã tập hợp được 22 tài liệu, hình ảnh, video clip liên quan để chuẩn bị cho lần thăm dò sắp tới.
Ông Tiệp sẽ ủy quyền cho hai người cháu và con trai út của ông thực hiện phương án thăm dò đã được phê duyệt. Trong đó, ông Hoàng Văn Sáu (cháu ông Tiệp, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) được ông ủy quyền để điều hành và quyết định tất cả vấn đề liên quan.
Đồ họa nơi chôn giấu kho báu của quân đội Nhật và cách đưa người theo ống khoan xuống để lấy kho báu. Ảnh: Tư liệu
Nhóm ông Tiệp cũng đã thuê Công ty Cổ phần Thiết bị Địa vật lý tiến hành phân tích số liệu đo địa vật lý. Kết quả cho thấy theo hướng Bắc-Nam có một dãy dị thường hẹp (bề ngang khoảng 10 m, dài khoảng 200 m và sâu 50 m). Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Địa vật lý, thì dãy dị thường này là các khối quặng kim loại tự nhiên hoặc nhân tạo với số lượng lớn và tương đối tập trung. Theo đó, muốn đánh giá trữ lượng chính xác, cần phải khoan thăm dò 3-5 mũi khoan.
Nếu thất bại, không được khiếu nại UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo thành lập tổ giám sát gồm nhiều sở, ngành, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an, Bộ đội biên phòng tỉnh và UBND huyện Tuy Phong để theo dõi, kiểm tra toàn diện việc thăm dò. Theo phương án phê duyệt, ông Tiệp phải dừng thăm dò ngay khi gặp một trong ba trường hợp sau: Khi hết thời gian thực hiện thăm dò (270 ngày); khi đã thực hiện khoan thăm dò xong tại năm vị trí (mặc dù thời gian chưa hết 270 ngày); khi phát hiện được chính xác vị trí tài sản nghi bị chôn giấu mà chưa khoan đủ tại năm vị trí hoặc chưa hết thời gian (270 ngày). Hết thời gian thực hiện thăm dò theo phương án được phê duyệt mà không phát hiện được tài sản nghi bị chôn giấu thì không xin gia hạn thêm thời gian thăm dò, chấm dứt hoàn toàn những vấn đề liên quan đến tài sản nghi bị chôn giấu tại núi Tàu. Ông Tiệp phải chịu mọi chi phí đã bỏ ra và không khiếu nại bất cứ việc gì. |
PHƯƠNG NAM