Bình Thuận: Rà soát, hủy bỏ quy hoạch treo làm ảnh hưởng cuộc sống người dân

(PLO)- Nhiều dự án quy hoạch khu dân cư được giao đất hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có kết luận quan trọng về rà soát quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá lại hiện trạng các khu quy hoạch

Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý qui hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu dân cư, hạn chế tình trạng qui hoạch kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đất đai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất các giải pháp đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá hiện trạng tại các khu vực quy hoạch và quy định pháp luật có liên quan.

Phối cảnh khu tái định cư chung TP Phan Thiết, Phong Nẫm phê duyệt từ 2013 nhưng đến nay vẫn còn trên giấy.

Phối cảnh khu tái định cư chung TP Phan Thiết, Phong Nẫm phê duyệt từ 2013 nhưng đến nay vẫn còn trên giấy.

Từ cơ sở này, Ban Thường vụ đề nghị rà soát cụ thể từng phân khu; quy hoạch chi tiết các dự án khu dân cư và các dự án hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng; khu sản xuất dịch vụ và các khu đất chức năng quan trọng. Từ đó đánh giá tính khả thi của từng dự án. Đề xuất, cụ thể trường hợp nào giữ lại quy hoạch, trường hợp nào điều chỉnh quy mô hoặc hủy bỏ dự án, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế phát triển tại các khu vực quy hoạch...

Quy hoạch chưa kịp tốc độ phát triển kinh tế

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cũng thừa nhận việc lập quy hoạch chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chưa tổng hợp đầy đủ các yếu tố đầu vào khác, dẫn tới mục tiêu, tầm nhìn, một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác, chưa sát với thực tế và nhu cầu thị trường, dẫn đến quy hoạch làm ra nhưng chưa khả thi.

Cụ thể các quy hoạch phân khu quy hoạch kéo dài gồm quy hoạch phân khu khu vực hai bên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Hồng Phong), do UBND TP Phan Thiết làm chủ đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ tháng 4-2009 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch vào tháng 7-2013.

Hiện đã đầu tư tuyến đường Lê Duẩn; khu dân cư 2 bên đường chưa thực hiện. Hiện trạng khu vực 2 bên tuyến đường tập trung đông dân cư. Sau khi thu hồi làm đường Lê Duẩn, nhân dân đã sửa chữa lại nhà và đã ổn định cuộc sống. UBND TP Phan Thiết đang triển khai điều chỉnh quy hoạch tại khu vực cho phù hợp với thực tế.

Quy hoạch phân khu Khu vực Bắc kênh thoát lũ, Hàm Thuận Bắc, quy mô 850 ha do Viện Quy hoạch Xây dựng Bình Thuận làm chủ đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch vào tháng 7-2013. Hiện đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu vực quy hoạch, gồm các dự án: Khu dân cư Bến Lội - Lại An, Khu dân cư Bắc Xuân An. Hiện nay đang triển khai lập đồ án điều chỉnh quy hoạch.

Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên đường Hàm Hiệp - Mương Mán, do UBND huyện Hàm Thuận Bắc làm chủ đầu tư, quy hoạch từ năm 2009 với quy mô diện tích 137,85 ha, trong đó: 1,92 ha thuộc xã Phong Nẫm, Phan Thiết và 135,93 ha thuộc xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch; tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đã có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến định hướng cơ cấu phân khu chức năng theo quy hoạch được duyệt. Năm 2019, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch .

Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/2.000) Khu dân cư – Dịch vụ - Thương mại Khu công nghiệp Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam do UBND huyện Hàm Thuận Nam làm chủ đầu tư. UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch từ tháng 11-2011 gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (khoảng 101,9 ha) giao Công ty CP TV TM DV Địa ốc Hoàng Quân nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư hạ tầng, nhà ở công nhân phục vụ Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1; giai đoạn 2 (khoảng 108,9 ha) và giai đoạn 3 (khoảng 68,5 ha) giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh triển khai thực hiện.

Do việc triển khai dự án kéo dài, không mang lại hiệu quả và gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện nên UBND tỉnh đã có chủ trương thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư đối với dự án (giai đoạn 2 và 3) và chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế và thuận lợi cho công tác kêu gọi đầu tư.

Khu liên hợp TDTT Bình Thuận quy hoạch từ 2010 đến nay nhưng chưa triển khai.

Khu liên hợp TDTT Bình Thuận quy hoạch từ 2010 đến nay nhưng chưa triển khai.

Nhiều khu dân cư 20 năm chưa xong

Toàn tỉnh có 17 khu dân cư gồm các dự án vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách. Trong đó, có những khu dân cư hơn 20 năm vẫn chưa xong như Khu dân cư Tam Biên, phường Phú Thủy do Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận chủ đầu tư, được giao đất từ năm 2001 quy mô 3 ha đến nay nhưng vẫn chưa xong.

Nguyên nhân do công tác, giải phóng mặt bằng dự án chưa hoàn thành, còn 17 hộ/khoảng 2.563,3 m2 chưa đền bù xong do một số hộ chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Khu dân cư Phú Tài –Phú Trinh, giai đoạn 1 cũng do Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận làm chủ đầu tư giao đất hơn 10 ha từ 2002 đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân là do giá đất đền bù được xây dựng từ năm 2003, tuy có điều chỉnh bổ sung nhưng vẫn còn rất thấp so với giá đất thời điểm hiện tại nên các hộ dân không hợp tác…

Đối với các hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, khu sản xuất dịch vụ và các khu đất chức năng quan trọng theo định hướng quy hoạch, hiện nay đều khó triển khai.

Cụ thể Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận, thuộc phường Xuân An, Phan Thiết và một phần xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, quy hoạch từ 2010 với diện tích đất 35,9 ha.

Đến nay, Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết và các thủ tục, đầu tư xây dựng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn, vướng mắc như cần phải tiến hành thủ tục đầu tư khu tái định cư trước, sau đó mới triển khai lập phương án đền bù; kinh phí để thực hiện công tác đền bù, tái định cư tương đối lớn (khoảng trên 200 tỷ đồng). Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng khu đất, phải thực hiện đền bù, tái định cư cho khoảng 220 hộ dân/ khoảng 20,2 ha đất.

Trường Đại học Bình Thuận, xã Tiến Lợi, Phan Thiết, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết từ tháng 12/2013. Quá trình triển khai dự án bị gián đoạn, không liên tục (liên quan đến việc tạm dừng Dự án thành lập Trường Đại học Bình Thuận), làm kéo dài giai đoạn thực hiện thủ tục chuẩn bị và vẫn chưa đi vào giai đoạn đầu tư xây dựng.

Hiện nay, qua đánh giá sơ bộ hiện trạng khu đất dự án có khoảng 170 căn nhà. Do đó, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch tại vị trí trên sẽ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng…

Báo cao về Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 10-3

Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Trường hợp hủy bỏ dự án đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất lại chức năng sử dụng đất tại khu vực dự án. Từ đó cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, tạo điều kiện cho người dân có đất trong vùng quy hoạch thực hiện các quyền của người sử dụng đất làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, không gian kiến trúc, cảnh quan tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 10-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm