Ổ dịch thứ nhất được ghi nhận tại hộ ông Nguyễn Trường Thành, thôn 1, xã Gia An, huyện Tánh Linh. Trước đó, ngày 1-6, heo của hộ ông Nguyễn Trường Thành có một con bị chết. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, thú y huyện Tánh Linh xác định nguyên nhân chết do tụ huyết trùng.
Đến ngày 2 và 3-6, có 6 con heo thịt (khoảng 70 kg) của nhà ông Thành tiếp tục chết. Hộ gia đình báo chính quyền địa phương, chiều cùng ngày, chính quyền xã Gia An tổ chức niêm phong thức ăn gia súc còn thừa, cấp phát thuốc sát trùng, tổ chức rải vôi, xịt thuốc tiêu độc… để xử lý chuồng trại, môi trường xung quanh và gửi mẫu đi xét nghiệm.
Tiếp tục vào sáng 5-6, cũng tại địa bàn nói trên, hộ ông Lê Văn Luận cũng xảy ra tình trạng một con heo bị chết. Ngay lập tức, Thú y huyện Tánh Linh tổ chức lấy mẫu, theo dõi và tiến hành tiêu hủy heo chết. Kết quả xét nghiệm huyết thanh heo của Chi cục Thú y vùng VI cho thấy, các mẫu heo ở địa bàn xã Gia An gửi đi đều dương tính với dịch tả heo Châu Phi.
Kiểm tra chuồng trại
Theo huyện Tánh Linh, tại địa bàn xã Gia An hiện có 161 hộ chăn nuôi với 1.658 con heo. Trong đó có 9 hộ (khoảng 70) chăn nuôi heo rừng, heo cảnh, heo rừng lai… Dịch xuất hiện ở xã Gia An uy hiếp 3 xã lân cận: xã Gia Huynh, xã Bắc Ruộng và thị trấn Lạc Tánh.
Để đối phó với dịch, chính quyền tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát đối với từng hộ chăn nuôi và giết mổ heo theo hướng dẫn để xử lý kịp thời không để dịch lây lan trên diện rộng.
Bên cạnh đó, huyện tiến hành khoanh vùng, thành lập 2 chốt điểm đầu, cuối của vùng dịch để kiểm soát chặt chẽ, tổ chức phun thuốc và tiêu độc, khử trùng trên địa bàn các thôn, đặc biệt là tuyến đường công cộng và chợ. Trước mắt, huyện cho ngừng hoạt động 14 cơ sở giết mổ không phép đồng thời tăng cường kiểm tra, xét nghiệm heo đầu vào (phải âm tính mới cho giết mổ) và sau khi mổ tiến hành xét nghiệm lại (không mắc bệnh) mới cho xuất đi.
Ổ dịch thứ hai được xác định là tại trang trại hộ ông Lý Văn Hương ở thôn 1, xã Đức Chính, huyện Đức Linh. Vào ngày 5-6, heo bắt đầu phát bệnh và chết. Thú y huyện tiến hành lấy mẫu, gửi xét nghiệm và chiều 6-6, Chi cục Thú y vùng VI kết luận heo trên chết là do dịch tả heo châu Phi. Đến nay, trang trại đã có 29 con heo chết. Huyện Đức Linh đã tiến hành tiêu hủy số heo chết đồng thời tổ chức lập chốt phun thuốc sát trùng, tổ chức tiêu độc, khử trùng….
Ông Lê Tuấn Phong (thứ 2 từ trái qua) đang kiểm tra, chỉ đạo
Sáng cùng ngày, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác liên ngành đã trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại các ổ dịch. Tại đây, ông Phong yêu cầu: hai huyện Tánh Linh, Đức Linh phải khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch sớm nhất có thể và tiến hành khoanh vùng, phân loại vùng đệm, vùng uy hiếp tùy theo mức độ để có biện pháp ứng phó với quyết tâm không để bệnh lây thêm. Các xã lân cận phải tăng cường thực hiện tiêu trùng, khử độc, khẩn trương thực hiện cách ly lây lan từ vùng này qua vùng kia…
Về xử lý ổ dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương đảm bảo đúng quy định an toàn theo hướng dẫn, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hố chôn và chuẩn bị phương án đối phó với tình huống xấu nhất là dịch bệnh lan rộng.
Huyện Tánh Linh, Đức Linh kiểm tra phương tiện khử trùng
Được biết, Bình Thuận có tổng đàn heo khoảng 272.500 con. Tập trung chủ yếu ở Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh…