Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, cho PLO biết thông tin trên vào ngày 12-6.
Theo ông Trí, hiện cơ quan chức năng quận 9 đã yêu cầu sáu hộ dân nói trên tiếp tục nuôi heo thêm 30 ngày để theo dõi và chờ chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền, không được bán heo ngay trong thời điểm này.
“Ngoài giám sát chặt, cơ quan chức năng còn hướng dẫn sáu hộ thực hiện đúng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi thâm nhập. Đặt biệt không dùng cơm thừa canh cặn để nuôi heo” – ông Trí nói thêm.
Chốt kiểm kịch động vật tạm thời được đặt dưới cạnh cầu Ông Nhiêu, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo ông Trí, trên địa bàn phường Phú Hữu hiện vẫn tồn tại không ít hộ nuôi heo lẻ tẻ nên khó kiểm soát. Địa bàn phường Phú Hữu còn nhiều kênh rạch nên không loại trừ khả năng người nuôi vứt heo chết ra sông rạch.
“Trước tình hình này, UBND phường đề nghị ban điều hành khu phố khảo sát và nắm danh sách hộ nuôi heo lẻ tẻ. Khi heo có biểu hiện bệnh thì phải báo cho cơ quan chức năng để xử lý, tuyệt đối không giấu dịch” – ông Trí nói.
Ông Trí còn cho biết ngay khi phát hiện heo nuôi của bà Lê Thị Ngọc Cẩm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi, cơ quan chức năng nhanh chóng thành lập hai trạm kiểm dịch động vật tạm thời ở câu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng.
Lực lượng chức năng rải vôi trên đoạn đường vào địa bàn phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Các thành viên của hai trạm kiểm dịch tạm giám sát và không cho heo sống ra hoặc vào địa bàn phường Phú Hữu. Nếu phát hiện nghi vấn thì tạm giữ để xử lý” – ông Trí nói.
Phóng viên PLO đặt câu hỏi: “Heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi được tiêu hủy ở đâu?”. Ông Trí trả lời: “Trên địa bàn phường có nhà văn hóa xây dựng ở vị trí không thuận tiện nên hầu như bỏ hoang đã lâu. Nhà văn hóa này cũng xa khu dân cư nên heo nhiễm bệnh được chôn trong khuôn viên”.
Trao đổi với phóng viên PLO, ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết lúc đầu cơ quan chức năng không đồng thuận khi nghe UBND phường Phú Hữu trình bày heo bệnh sẽ được chôn trong khuôn viiên nhà văn hóa phường vì sợ ảnh hưởng đến những hộ dân gần đó. “Tuy nhiên khi nghe UBND phường Phú Hữu trình bày khu vực nhà văn hóa phường bỏ hoang từ lâu, lại ghi nhận thực tế sau đợt khảo sát nên cơ quan chức năng đồng ý cho tiêu hủy heo trong khuôn viên nhà văn hóa phường” – ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bảo, để ngăn ngừa dịch bệnh, cơ quan chức năng hướng dẫn hai trạm kiểm dịch tạm ở cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng trên địa bàn phường Phú Hữu rắc vôi để hạn chế virus gây bệnh. Hiện tất cả quận, huyện TP.HCM đều chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch tà heo châu Phi trên địa bàn. Trên tuyến đường cầu Phú Mỹ xuống trạm thu phí ở quận 2 cũng đã đặt thêm chốt kiểm dịch động vật.