Bà Nguyễn Thị Hai (ngụ 234A ấp 5, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) kể năm 1994, bà mua mảnh đất ở địa chỉ trên của ông Nguyễn Minh Cảnh bằng giấy tay. Mặt sau của giấy mua bán, ông Cảnh viết nội quy chung cho các hộ được ông bán đất là dùng đường đi chung ngang 1,5 m. Sau quá trình sử dụng, bà Hai đã tôn tạo con đường để đi dễ dàng hơn và đây là lối đi duy nhất để gia đình bà ra đường Lê Văn Lương.
Đến năm 2010, bà Hai yêu cầu ông Cảnh làm thủ tục sang tên, tách thửa cho bà. Tuy nhiên, phía ông này ra điều kiện bà Hai không được sử dụng lối đi chung này nữa. Tranh cãi mãi nên hai bên kéo nhau ra tòa.
Lối đi chung đang bị chủ đất xây kín khiến gia đình bà Hai gặp khó khăn khi đi lại. Ảnh: CẨM TÚ
Xử sơ thẩm, TAND huyện Nhà Bè nhận định đây là lối đi chung. Ông Cảnh bảo đây là phần đất của mình (vì đã được cấp giấy chứng nhận) là vi phạm nội dung do ông Cảnh tự cam kết với các hộ dân khi mua bán đất với họ. Mặt khác, con đường hẻm đã được sử dụng chung trên 19 năm qua.
Sau khi có phán quyết trên, gia đình ông Cảnh kháng cáo. Xử phúc thẩm vừa qua, TAND TP.HCM cho rằng tờ cam kết chuyển nhượng đất của ông Cảnh cho bà Hai chỉ thể hiện chuyển nhượng phần đất, không thể hiện việc chuyển nhượng con đường đi chung. “Mặt sau của tờ cam kết có ghi nội quy chung về đường đi nhưng ông Cảnh là chủ đất không ký xác nhận và ông không thừa nhận việc chuyển nhượng cho bà Hai lối đi này”. Một cơ sở nữa để không công nhận lối đi chung là giấy chứng nhận mà huyện cấp cho ông Cảnh không thể hiện lối đi chung. Hiện nay phần đất của bà Hai có một lối đi khác để ra đường Lê Văn Lương. Với những yếu tố này, tòa bác yêu cầu của bà Hai.
Không đồng ý với quyết định của TAND TP.HCM, bà Hai đang làm đơn xin giám đốc thẩm. Bà cho rằng những nhận định của tòa án cấp phúc thẩm quá phi lý. Ông Cảnh đã ký tên trên mặt trước giấy cam kết mua bán thì phần nội quy về lối đi chung đâu cần phải ký lại nữa. Giấy chứng nhận cấp cho ông Cảnh đúng là không thể hiện lối đi chung nhưng từ năm 2003 trên bản đồ địa chính của huyện đã khẳng định đó là lối đi chung. Các giấy chứng nhận cấp cho những hộ tiếp giáp con đường này cũng đều ghi chú là lối đi chung.
Trao đổi về vấn đề này, không ít chuyên gia pháp lý nhận định với những căn cứ về quá trình hình thành và sử dụng lối đi như trên thì đây là đường đi chung chứ không còn là đất riêng của gia đình ông Cảnh. Nó là lối đi thuận tiện duy nhất của gia đình bà Hai, việc bác lối đi chung là không đúng.
“Tuy nhiên, để thỏa quyền lợi của các bên, nhất là gia đình ông Cảnh thì khi sử dụng lối đi này, gia đình bà Hai phải nộp cho gia đình ông Cảnh một khoản phí nhất định hoặc mua lối đi này theo giá đất nông nghiệp thay vì sử dụng miễn phí” - luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, gợi ý. Đây cũng là một hướng ra để các bên không kéo dài những tranh chấp mà có thể “chia sẻ” với nhau.