Xô mảng tường để mở lối đi, ba người bị khởi tố!

Mới đây, anh Định Quốc Ân vừa gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM phản ánh anh và hai người khác đang bị xử lý hình sự oan. Trước đó, các cơ quan tố tụng thị xã Thuận An (Bình Dương) khởi tố, bắt tạm giam (sau đó cho tại ngoại) ba người vì cho rằng họ phá mảng tường xây không phép trị giá 2,5 triệu đồng.

Các chuyên gia pháp luật nhận định việc xử lý hình sự là không đúng…

Hàng chục phòng trọ bị cô lập

Theo hồ sơ ban đầu, hơn 10 năm nay, mẹ của Định Quốc Ân và ông hàng xóm tranh chấp một lối đi độc đạo tại khu phố Hòa Lân 1 (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An). Mẹ anh Ân bảo đây là lối đi chung, còn ông hàng xóm nói đây là đất của mình. Hai bên không ai chịu ai nên kéo ra tòa. Khi tòa đang thụ lý, ngày 22-7, ông hàng xóm làm cổng sắt chắn ngang, bít đường vào phòng trọ của phía mẹ anh Ân. Thấy vậy, Ân đập khóa cửa cổng. Ông hàng xóm tiếp tục xây tường gạch chắn ngang.

Mẹ anh Ân vội vàng gửi đơn lên UBND phường đề nghị ông hàng xóm chấm dứt hành vi cản trở người khác đi lại. Một tuần sau, phường Thuận Giao xuống hiện trường ghi nhận, yêu cầu ông hàng xóm giữ nguyên hiện trạng con đường. Tuy nhiên, ông này không đồng ý. Sau đó, do không có lối đi ra ngoài nên Ân đập bỏ bức tường. Hai người trong xóm trọ là Lê Vĩnh Vũ Nam và Nguyễn Văn Tòa giúp Ân dọn dẹp lối đi cho thông thoáng.

Bức tường gạch xây chắn vào trong khu trọ khu vực nhà anh Ân khiến cho mọi người không có lối đi. Ảnh: VN

Vì không thể đi theo hướng bị tường mới xây che chắn, người dân tìm lối khác thì cũng phải bắc thang để trèo qua tường. Ảnh: VN

Bất đắc dĩ mới mở lối đi 

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An khởi tố, bắt tạm giam cả ba thanh niên trên do có hành vi hủy hoại bức tường gạch 7,2 m2, trị giá 2,5 triệu đồng. Qua một thời gian tạm giam, ba người được tại ngoại để điều tra.

“Trước khi đập bỏ bức tường, gia đình tôi nhiều lần lên phường để trình báo, xin mở lối đi nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy ai đến. Bức bách vì hàng chục phòng trọ không ai ra vào được nên tôi đập một mảng tường để mở lối đi. Đây cũng là điều bất đắc dĩ. Cơ quan công an bắt ba chúng tôi để xử hình sự là không đúng” - Ân bộc bạch.

Ân và hai người trên còn cho hay mảnh tường đổ chỉ cao 1,7 m, dài 2,5 m (tức 4,2 m2) chứ không phải là cao 1,9 m và dài 3,8 m (tổng cộng 7,2 m2) như cơ quan điều tra nói. Vì vậy tính ra tổng thiệt hại cũng chỉ hơn 1 triệu đồng. Thế nhưng VKSND Thuận An lại khẳng định tường dài 3,8 m và cao 2,2 m chưa tô (tính cả móng 30 cm, tổng cộng 7,2 m2). Như thế, cơ quan chức năng đã không minh bạch trong quá trình điều tra, nâng giá trị bức tường để hình sự hóa vụ việc. Chưa kể hai người bạn của Ân cũng chỉ phụ đập nhỏ bức tường đã đổ để lát đường đi chứ không phá đổ tường nên không thể buộc họ là đồng phạm.

Chỉ dựa theo định giá 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao Nguyễn Văn Trung thông tin ngày 29-7, mẹ anh Ân có gửi đơn kiến nghị đến UBND phường đề nghị ông hàng xóm chấm dứt hành vi xây dựng, cản trở lối đi chung. Một ngày sau, cán bộ địa chính phường phối hợp với ban điều hành khu phố kiểm tra xây dựng không phép. Sau khi xác định sự việc, ngày 31-7, chủ tịch UBND phường đã ký ban hành quyết định phân công thụ lý đơn của mẹ anh Ân, yêu cầu ông hàng xóm giữ nguyên hiện trạng. Tiếp đó, khi lực lượng chức năng đang trên đường xuống hiện trường để xử lý vụ việc thì nhận được thông tin anh Ân đập tường rào chắn lối đi. Lúc này công an phường cũng xuống hiện trường ngăn chặn...

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Viện trưởng VKSND thị xã Thuận An, cho biết: Hội đồng thẩm định giá trong tố tụng hình sự thị xã Thuận An ghi nhận bức tường bị đập đổ được xây bằng gạch ống cao 1,9 m, dài 3,8 m (diện tích 7,2 m2), chưa tô, tài sản bị thiệt hại là 2,5 triệu đồng. Từ kết quả này, cơ quan tố tụng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ba bị can về tội hủy hoại tài sản. Chúng tôi chỉ dựa vào kết quả của hội đồng thẩm định giá để ra quyết định. Nếu các bị can cho rằng việc thẩm định không khách quan hay chưa đúng thì có thể khiếu nại về kết luận của hội đồng thẩm định giá.

Xử hình sự là không đúng bản chất

Việc xử lý hình sự ba người phía anh Ân là sai về bản chất cũng như cấu thành cơ bản của tội phạm. Điều 143 BLHS (quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác) phải được hiểu đó là những tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người bị hại và được pháp luật công nhận sự hợp pháp đó. Nói cách khác, khách thể được bảo vệ trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội này phải là tài sản hợp pháp.

Trong khi vụ này, hai bên đang tranh chấp về lối đi chung. Mẹ anh Ân gửi đơn lên UBND phường đề nghị giải quyết và thực tế phường cũng đã cho người đến hiện trường ghi nhận và yêu cầu hai bên giữ nguyên hiện trạng để cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Như vậy việc tự ý xây bức tường của ông hàng xóm là không hợp pháp vì đã làm biến dạng đối tượng tranh chấp. Điều đó cũng có nghĩa bức tường xây chắn lối đi lúc này không phải là tài sản của ông hàng xóm được pháp luật công nhận là hợp pháp. Tất nhiên việc đập phá tường của phía anh Ân là sai nhưng phải được xử lý bằng biện pháp khác chứ không thể mang ra định giá để xử lý hình sự. Do đó theo tôi, việc khởi tố hình sự trong vụ này là trái pháp luật, cần được bãi bỏ.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật
Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương

Chỉ cần phạt hành chính

Vụ này khởi nguồn là một tranh chấp dân sự và kết thúc cũng phải là một quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì mới được coi là đúng trình tự, thủ tục. Hai bên không thể giải quyết theo cách của cá nhân mình nghĩ ra hoặc nghĩ là đúng, mà phải chờ kết quả giải quyết cuối cùng.

Như vậy, xét về hành vi thì cả người xây tường chắn lối đi và người đập bức tường đó đều có lỗi và đều có thể bị xử phạt hành chính chứ không phải hình sự. Chưa kể theo các bị can việc định giá bức tường là chưa khách quan, chính xác. Tôi cho rằng ở đây thể hiện sự gượng ép trong cách xử lý của cơ quan tố tụng.

Luật sư  NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

THANH TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm