LTS:Bộ Chính trị vừa có Kết luận số 21-KL/TW về sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. Báo Pháp Luật TP.HCM xin đăng tải toàn văn kết luận này.
Tại phiên họp ngày 19-10-2017, sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM báo cáo Đề án sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, ý kiến của các cơ quan liên quan; Bộ Chính trị đánh giá cao và hoan nghênh sự chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết của lãnh đạo TP.HCM và kết luận như sau:
I- Về tình hình tổ chức triển khai và thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị
1- Về kết quả đạt được
Năm năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã quán triệt, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của TP đối với cả nước, cụ thể là:
- Giai đoạn 2011-2015, tổng sản phẩm trên địa bàn TP tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân cả nước, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết 16 đề ra (1,5 lần); thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,19 triệu tỉ đồng, gấp hai lần giai đoạn 2006-2010. Thành phố đóng góp bình quân 27% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 21% GDP toàn quốc.
- Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả thiết thực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế có nhiều tiến bộ. Với truyền thống yêu nước, cách mạng, nhân ái và nghĩa tình, TP đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng.
- Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng. Thường xuyên thực hiện cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng đề án đô thị thông minh phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức, ngày càng sâu sát và gắn bó với nhân dân.
TP.HCM vui đón Tết Nguyên đán 2017.
2- Về hạn chế, khuyết điểm
- Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và chính quyền TP còn chậm, chưa đủ quyết liệt, chưa tạo được bước đột phá phát huy tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển của TP. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2016 không đạt kế hoạch, tăng trưởng công nghiệp nói chung và hầu hết các ngành trọng yếu và truyền thống đều giảm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm; tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh TP chậm được cải thiện.
- Chủ trương cho thí điểm các giải pháp và chính sách phù hợp với đặc thù của TP tuy đã được triển khai bước đầu (mô hình chính quyền đô thị; Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù; thành lập Sở Du lịch, thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm) nhưng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính đột phá, kết quả chưa rõ nét.
- Về chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP: Tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP giai đoạn 2017-2020 không tăng mà còn bị giảm. Việc tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất, nhập khẩu chưa được thực hiện. Nguồn vốn hỗ trợ cho TP đối với các chương trình mục tiêu, ngoài nguồn vốn ODA cho các dự án trọng điểm, không đáng kể. Các khoản thưởng vượt thu ngân sách cho TP theo quy định của pháp luật không được bảo đảm.
- Chưa thực hiện được chủ trương tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho TP.
- Chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều bất cập. Mô hình Ban chỉ đạo và cơ chế luân phiên chủ tịch Hội đồng Vùng là chủ tịch UBND các tỉnh, TP liên quan chưa được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành, liên vùng nên chưa phát huy hiệu quả.
- Về việc thực hiện các chính sách mới để thu hút đầu tư, tuy Chính phủ và các bộ đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thực hiện dự án theo hình thức PPP nhưng qua quá trình thực hiện, các quy định pháp luật về hợp tác công - tư cũng bộc lộ một số bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện.
- TP cũng đã chủ động phối hợp, đề xuất các bộ, ban, ngành trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định pháp luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý, điều hành trên địa bàn TP. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề xin ý kiến nhưng một số bộ, ngành chậm trả lời và chưa chủ động phối hợp, hỗ trợ TP. Các tỉnh, TP trong cả nước cũng chưa tích cực phát triển quan hệ với TP.
- Hằng năm, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên có các buổi làm việc với lãnh đạo TP. Tuy nhiên, TP và các cơ quan tham mưu của trung ương Đảng chưa chủ động đề xuất Ban Bí thư làm việc với TP để kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
Những hạn chế, khuyết điểm nói trên trước hết là thuộc về trách nhiệm lãnh đạo của Thành ủy và tổ chức thực hiện của UBND TP. Bên cạnh đó sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương còn nhiều hạn chế.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh hôm nay.
II- Về đẩy mạnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, với tinh thần TP vì cả nước, cả nước vì TP, Bộ Chính trị yêu cầu Thành ủy TP.HCM, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy có liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 16 đã đề ra, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TP. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần hoàn thành hằng năm của các cơ quan, đơn vị, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
- Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
- Việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trong khung khổ pháp luật; việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì cho làm thí điểm, sơ kết, tổng kết để nhân rộng. Với tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững hơn. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xem xét, sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP theo nghị quyết của Quốc hội. Thành ủy TP.HCM chỉ đạo chuẩn bị đề án kiến nghị để trình Quốc hội, Chính phủ theo trình tự pháp luật quy định.
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị.
- Định kỳ hằng năm, Ban Bí thư và Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 16 và kết luận này của Bộ Chính trị; tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi để TP thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ mà các nghị quyết của Đảng và TP đã đề ra.
Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết và kết luận này, thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.