Ngày 6-9, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và các cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM.
TP lớn nhất nước mà cơ chế, chính sách như các tỉnh
Trình bày đề xuất cơ chế đặc thù của TP.HCM để phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TP.HCM không khác gì so với các địa phương khác. Song do có các đặc thù, lợi thế của TP mà trong điều kiện chung đó, TP đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, dân số đông nhất cả nước và gia tăng liên tục trong hơn 40 năm, một mặt là nguồn nhân lực cho TP phát triển, mặt khác cũng gây ra các trở lực. Với mật độ dân số gấp 15-20 lần cả nước hiện nay, cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp 30-40 lần cả nước thì nhu cầu về giao thông của TP.HCM trên 1 km2, nhu cầu cấp nước sạch, xử lý chất thải, trường học, khám chữa bệnh (trên một đơn vị diện tích) gấp hàng chục lần cả nước. Giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư trên một đơn vị diện tích cũng gấp hàng chục lần cả nước.
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM bao gồm bốn vấn đề chính là tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; kiện toàn ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP.HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn
Bức thiết phải có cơ chế vượt trội cho TP.HCM
Các ý kiến tại cuộc làm việc đều nhất trí đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của TP.HCM đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sau 30 năm đổi mới, TP.HCM đạt thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần vào thành tựu chung của vùng và cả nước.
Chỉ ra các thách thức đối với sự phát triển của TP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở. Do đó quản lý, kiểm soát dân cư là thách thức lớn nhất khi có những dự án phải điều chỉnh 3-4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính. Phó Thủ tướng cho rằng vị trí đầu tàu kinh tế đòi hỏi TP.HCM tăng trưởng cao nhưng cần bền vững.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, TP.HCM có hai điểm nổi lên là tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt.
“Bức thiết phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP.HCM, nếu không tốc độ phát triển của TP sẽ chậm lại” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và gợi ý TP nên tập trung làm một số đề án như đề án đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại đây, phát triển công nghiệp văn hóa, đề án tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ...
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trước hết TP cần phát huy nội lực, sức sáng tạo của mình với các biện pháp đột phá, cộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thì có thể phát huy hiệu quả theo cấp số nhân. Phó Thủ tướng nhất trí rằng cần thiết phải phân cấp mạnh cho TP, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực.
Cho phép TP.HCM thực hiện một số nhiệm vụ của bộ, ngành
Nhất trí với những giải pháp, phương hướng lớn mà Thành ủy TP.HCM đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cần xác định TP.HCM còn dư địa phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và cần thấy rõ hơn khoảng cách, trình độ phát triển còn thấp so với các TP lớn khác ở Đông Nam Á. Do đó yêu cầu đối với TP.HCM là phải đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng nhất trí cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển trên địa bàn, nhất là tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của TP tầm nhìn 2025-2030, trong đó cần quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Cùng đó là tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú trọng nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong điều kiện nguồn lực Nhà nước hạn hẹp.
TP.HCM phải nằm trong nhóm xếp hạng cao nhất, là đầu tàu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng nhất trí cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP”. Trong đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc TP.HCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với TP gắn với đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội thì tổng hợp, đề xuất, những vấn đề mới phát sinh thì xin đề xuất làm thí điểm.
Để tạo điều kiện cho TP.HCM, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Ban cán sự đảng Chính phủ là ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép TP.HCM thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả của TP.HCM đã được Đảng, Nhà nước đánh giá là to lớn. Thủ tướng lưu ý chủ trương chung là đẩy mạnh phân cấp giao quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát của trung ương. “Trung ương không phải ôm nhiều việc của TP và TP cũng không phải ôm nhiều việc của các quận, huyện, sở, ngành” - Thủ tướng nói. “Chúng ta xác định chia sẻ khó khăn chung của đất nước, dựa trên cơ sở nguyên tắc công bằng vì TP là nơi có trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn nộp thuế, hoạt động không chỉ trên địa bàn TP mà còn ở các địa phương khác” - Thủ tướng nói. |