Bỏ chồng theo… rượu

Đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch, bà NTM (48 tuổi, TP.HCM) ngước cặp mắt vô hồn dòm con thằn lằn bò trên trần nhà, thỉnh thoảng bật tiếng cười ngây dại. Chồng bà, người đàn ông 50 tuổi với gương mặt hốc hác vì mất ngủ nhìn vợ rồi liên tục thở dài.

Chồng bà M. kể: “Trước đây vợ tôi là trưởng phòng kinh doanh của một công ty may mặc xuất khẩu ăn nên làm ra. Do công việc làm ăn nên vợ tôi thường tiếp khách và tập tành bia rượu. Từ một người không quen rượu bia, vợ tôi nghiện lúc nào không hay. Rượu vào lời ra, những lúc say xỉn vợ tôi có những lời nói làm phật lòng khách hàng hoặc gây bất lợi cho công ty. Sau nhiều lần như thế, vợ tôi bị điều sang công việc khác”.

Nữ bệnh nhân tâm thần chờ được kiểm tra sức khỏe hằng ngày. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bị mất mặt, bà M. xin nghỉ việc. Rảnh tay rảnh chân đâm buồn chán, bà M. tiếp tục tìm đến rượu. “Nhậu say là vợ tôi lớn tiếng rầy con, mắng chồng. Do nhiều lần bà ta có ý định tự tử nên tôi đưa vào bệnh viện. Bác sĩ điều trị nói vợ tôi bị rối loạn trầm cảm do nghiện rượu kéo dài” - chồng bà M. lắc đầu.

Tương tự, bà TTH (44 tuổi, Đồng Nai) cũng được người nhà đưa vào BV Tâm thần Trung ương 2 để điều trị chứng rối loạn hành vi do nghiện rượu. Vừa lau mình lau mẩy cho bà H., cô con gái 24 tuổi sụt sùi: “Mỗi lần say là mẹ tôi không biết gì cả, gặp ai chửi đó, thậm chí còn vác cây dí chạy”.

Cha bà H. nghiện rượu nặng, chết khi còn trẻ. Do bị ảnh hưởng từ cha nên bà H. biết “cụng ly” khi mới 18 tuổi. Hết buổi ruộng rẫy, bà H. tụ tập với thanh niên trong làng bày bàn nhậu. “Gần đây má tôi nhậu càng nhiều. Có hôm tôi phải dìu bà về tận nhà. Hiện bà rơi vào trạng thái nói trước quên sau, tay chân run rẩy…” - con gái bà H. nói.

Tại hội thảo “Rối loạn do sử dụng rượu bia và thuốc lá” ngày 4-8, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cảnh báo: “Khảo sát cho thấy thực trạng uống rượu bia sớm, uống nhiều, lạm dụng rượu bia có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ, đặc biệt là chị em vùng đô thị”.

Trong khi đó, BS Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, cho biết nghiện rượu bia cũng có yếu tố di truyền. 25% con cái uống rượu bia nếu có cha hoặc mẹ nghiện. Con số đó tăng lên 70% nếu cả cha mẹ đều nghiện. Con của người nghiện lại có khả năng dung nạp rượu cao hơn con người không nghiện. Con của người nghiện cho dù được nuôi tại các gia đình không nghiện thì khả năng nghiện rượu cao gấp bốn lần con của người không nghiện.

Theo BS Hiển, người uống rượu thường có xu hướng coi thường các chuẩn mực đạo đức, trật tự xã hội. Dễ gây hấn, xâm phạm quyền lợi và thân thể người khác, thường không hối hận với hậu quả.

Kết quả khảo sát ghi nhận 22% nữ ở TP.HCM uống rượu bia. Trong khi con số này ở TP Cần Thơ là 10%, khu vực Bắc Việt Nam là 7%. “Chưa hết, 3% nữ ở TP.HCM uống rượu bia hằng tuần, 0,9% uống tới say” - TS Dũng nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới