Ngày 31-5, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Tại đây, hơn 500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ phụ trách của các Sở GD&ĐT và lãnh đạo các trường đại học được tập huấn các nội dung tổ chức, thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý được tập huấn tại hội nghị là công tác nhận diện gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
Trình bày vấn đề này, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng phòng, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công An), các hành vi gian lận thi cử ngày càng tinh vi, phức tạp nên việc nhận diện, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thi cử rất quan trọng. Việc sử dụng có thể diễn ra ở thí sinh, giáo viên hoặc cả phụ huynh nhằm truyền phát thông tin đề thi ra ngoài, chuyển đến đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại cho TS.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, những thiết bị công nghệ cao về cơ bản không thay đổi nhiều về đặc điểm.
Hình dạng các thiết bị này bên ngoài giống các đồ vật thông dụng. Thiết bị nhỏ gọn để gắn vào các đồ vật thông thường và thường phải có liên kết bởi 2 phần (trong và ngoài phòng thi). Trong phòng thi sẽ có “tai nghe” và thiết bị có chức năng thu/phát vô tuyến.
Tai nghe cũng siêu nhỏ bằng hạt ngô, hạt đậu để đặt vào lỗ tai và sử dụng kết nối không dây đến thiết bị nên giám thị khó nhận biết được.
Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho biết đặc điểm mới năm nay được biết đến ở các thiết bị thông minh gồm: nhẫn thông minh, bút thông minh (bút tàng hình), kính thông minh hay kính ảo, thiết bị ghi âm kỹ thuật số, điện thoại di động.
Về giải pháp để nhận diện hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật để gian lận trong phòng thi, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái có 6 phương pháp nhận diện.
Cụ thể là sử dụng biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn, kiểm tra, phát hiện việc sử dụng thiết bị công nghệ. Cạnh đó là chặn đường truyền của thiết bị gian lận, quan sát đặc điểm của vật dụng để phát hiện đặc điểm khác lạ.
Đồng thời, việc gian lận còn được phát hiện qua việc cán bộ làm công tác thi phải quan sát biểu hiện tâm lý của thí sinh, nhận biết qua những dấu hiệu bất thường của thí sinh. Bởi theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, những thí sinh gian lận luôn tìm cách che giấu và có những thái độ như lo lắng, hay giật mình, hồi hộp, mất tự nhiên, thiếu tập trung làm bài, trông ngóng bên ngoài…
“Thời tiết nóng bức nhưng thí sinh lại mặc áo dài tay, áo nhiều lớp, cổ áo, túi áo cộm đồ vật. Hoặc quan sát thí sinh để tóc dài trùm tai, trùm gáy, miệng lẩm nhẩm đọc đề thi, chờ đợi thông tin từ thiết bị…” - Thượng tá Nguyễn Trọng Thái dẫn chứng.
Do đó, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho rằng để phòng, chống gian lận và ngăn chặn sử dụng thiết bị công nghệ cao, vai trò của cán bộ làm công tác coi thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng. Vì vậy, ngoài việc tập huấn, việc lựa chọn cán bộ tham gia công tác thi cũng cần được chú trọng để chọn những người có kinh nghiệm tốt nhất.
Các thí sinh cũng cần lưu ý việc gian lận trong thi cử rất dễ bị phát hiện và để lại hậu quả đáng tiếc.
Hơn 670.000 thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, cả nước có hơn 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm trước. Trong đó có 4% thí sinh tự do. Đặc biệt chỉ có 37% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và có đến 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), tức hơn 670.000 thí sinh.
Kỳ thi sẽ diễn ra vào hai ngày là 27 và 28-6. Thí sinh dự thi sẽ phải thi bốn bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.