Sáng 30-5, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 13 bộ, cơ quan về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án và nhiệm vụ.
Tổ công tác làm việc với 13 bộ, cơ quan nợ đọng văn bản, nhiệm vụ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết so với năm 2017 và 2018, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết tăng lên, để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh trước khi khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV.
Trong đó Bộ Công an có 13 nhiệm vụ đang nợ, trong đó có hai dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng. Hai dự thảo này đã gửi VPCP để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đánh giá tác động thật kỹ, lắng nghe các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là lý do khiến việc ban hành hai nghị định này chậm so với dự kiến.
Một cơ quan khác còn "nợ" nhiều nhiệm vụ là Thanh tra Chính phủ, với 12 nhiệm vụ. Trong đó, lãnh đạo cơ quan này cam kết sẽ sớm trình dự thảo nghị định kiểm soát tài sản thu nhập và nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Với 13 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác đề nghị Bộ quan tâm các nhiệm vụ liên quan tới thực hiện Luật Quy hoạch. Do chưa có hướng dẫn thi hành Luật, nhiều công việc đang phải tạm dừng do không thể điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Điều này gây ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển kinh tế - xã hội…
Một Bộ khác được điểm tên là Bộ Tài chính với 20 nhiệm vụ nợ đọng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc Bộ này đang “nợ” Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP. “Thủ tướng rất quan tâm tới vấn đề thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và chính sách thuế khi tham gia các hiệp định CPTPP…”- ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng đề nghị Bộ GTVT lưu ý việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bộ cần đánh giá kỹ, tinh thần là nếu không tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ cao, đất nước sẽ lạc hậu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý việc thu phí điện tử không dừng là rất quan trọng, rất cần sự minh bạch của các doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. “Vừa rồi có tỉnh đề nghị chưa áp dụng thu phí không dừng, Thủ tướng trả lời ngay là yêu cầu thực hiện đúng theo lộ trình”- Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
Đại diện các Bộ sau đó đã giải trình, báo cáo cụ thể tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện từng nhiệm vụ, nêu giải pháp khắc phục và cam kết thời gian cụ thể hoàn thành nhiệm vụ.
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cuối tháng 6 sẽ diễn ra phiên họp Chính phủ với các địa phương. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ sẽ được báo cáo đầy đủ, qua đó đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của các Bộ trưởng.
Tổ trưởng Tổ công tác cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm tới công tác cải cách, nhất là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các Bộ phải công khai các điều kiện, thủ tục được cắt giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sắp tới sẽ khai trương hệ thống e-Cabinet, thực hiện Chính phủ phi giấy tờ. Từ tháng 6, Tổ công tác sẽ tập trung kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo tinh thần đẩy mạnh công khai, minh bạch để cải cách thực chất.
“Nếu muốn đẩy mạnh chống tham nhũng vặt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thì ngay trong nội bộ các cơ quan cũng phải cải cách. Không cải cách, không minh bạch trong nội bộ, vụ nọ giấu vụ kia, không điều phối tốt thì cũng không cải cách tốt với bên ngoài được”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngày 22-3, Tổ công tác đã có buổi làm việc với các bộ để rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và đã có báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp tháng 4, Tổ công tác tiếp tục báo cáo Chính phủ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết và nợ đọng các đề án. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tình hình nợ đọng văn bản chi tiết và đề án có cải thiện. Số văn bản chi tiết nợ đọng giảm từ 16 xuống còn 6 văn bản (Thuộc trách nhiệm của bốn Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông- Vận tải, Tài chính). 17 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 1-7-2019 giảm xuống còn 15 văn bản chưa ban hành (Thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an, Công Thương, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ). Cạnh đó, đến nay, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 38/123 đề án (Thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ) Ngoài ra, qua rà soát của VPCP, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tăng trưởng và an sinh xã hội. |