Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Phản ứng kịp thời với các điểm nóng pháp lý
Lần đầu tiên sau nhiều năm, nước ta đã hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tăng trưởng GDP đạt 6,81%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỉ đôla Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Lê Thành Long.
“Trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế-xã hội năm 2017, có những đóng góp quan trọng, thiết thực của bộ, ngành tư pháp. Với nhiều giải pháp quyết liệt, đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành tư pháp đã đạt nhiều kết quả cụ thể, để lại dấu ấn đậm nét, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận” - ông Long nói.
Thực hiện chủ trương xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả”, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm rất cao trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Với vai trò cơ quan tham mưu, lực lượng “chủ công”, bộ, ngành tư pháp coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, theo đó, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên rõ rệt.
Một trong những điểm nhấn của năm 2017, theo ông Long là việc bộ, ngành tư pháp đã phản ứng kịp thời đối với các chính sách, điểm “nóng” về mặt pháp lý trong đời sống kinh tế-xã hội để có những đề xuất, giải pháp kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
“Nhìn lại năm 2017, với những gì bộ, ngành tư pháp đã nỗ lực đạt được, chúng ta hoàn toàn tự hào khi nói rằng ngành tư pháp đang từng bước mạnh lên như “đặt hàng" đầu năm của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai công tác tư pháp 2017” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Bộ trưởng Long trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong một chuyến công tác.
Tám nhóm công tác trọng tâm
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, năm 2018 Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào tám nhóm công tác trọng tâm.
Thứ nhất, tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018-2019, trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các nghị quyết và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015... Tiếp tục theo dõi tình hình thi hành BLDS, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Luật Đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện và hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong thi hành. Chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết...
Thứ ba, hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc và tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từng bước giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định 71/2016/NĐ-CP, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án đối với các vụ án hành chính còn tồn đọng...
Thứ tư, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; thực hiện hiệu quả chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, giải quyết tốt các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước.
Thứ sáu, thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài...
Thứ bảy, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp, nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Thứ tám, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của bộ, ngành tư pháp.
Chào đón năm mới Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Lê Thành Long gửi lời cảm ơn sâu sắc về những nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ của các cán bộ tư pháp trong năm 2017 và suốt chặng đường đã qua. Bộ trưởng cũng cho rằng bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh mới đang tiếp tục đặt Bộ, ngành tư pháp trước những khó khăn, thách thức với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao. “Tự mỗi cán bộ cần ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, sống với cả trái tim đầy nhiệt huyết, với niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của ngành tư pháp, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống để tiếp tục phấn đấu, góp sức nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng ngành ngày càng vững mạnh, xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân” - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh. |