Tổng kết ngành tư pháp TP.HCM: Nỗ lực tự thân, sáng tạo, hiệu quả

“Năm 2012, ngành tư pháp TP.HCM đã hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật là công tác xây dựng, rà soát văn bản pháp luật thường xuyên đã góp phần quan trọng tạo lập cơ sở pháp lý, điều chỉnh kịp thời các vấn đề thực tiễn mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của TP. Đồng thời, loại bỏ những văn bản hết hiệu lực, trái quy định pháp luật, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn”. Bà Ung Thị Xuân Hương - Giám đốc Sở Tư pháp TP đã báo cáo như trên tại Hội nghị triển khai công tác ngành tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự năm 2013 vào ngày 1-2.

Năng động và trách nhiệm

Năm 2012, Sở Tư pháp TP đã chủ trì soạn thảo 49 dự thảo văn bản pháp luật, góp ý, thẩm định 217 dự thảo trình UBND TP và UBND các quận, huyện ban hành. Nội dung góp ý, thẩm định chú trọng việc đánh giá tác động kinh tế-xã hội, tính khả thi của dự thảo quy định mới, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành. Sở cũng kiểm tra 757 văn bản pháp luật do UBND TP và UBND các quận, huyện ban hành, phát hiện và xử lý (hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung) 142 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, phần lớn sai sót về thể thức, trình tự, thủ tục ban hành; rà soát hiệu lực 392 văn bản ban hành các năm trước đã phát hiện, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế 100 văn bản và ban hành mới ba văn bản.

Tổng kết ngành tư pháp TP.HCM: Nỗ lực tự thân, sáng tạo, hiệu quả ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính trao huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp. Ảnh: HTD

Cũng trong năm 2012, ngành tư pháp được UBND TP giao tư vấn pháp luật nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến các dự án đầu tư, đấu thầu dự án, giải quyết các vướng mắc phát sinh từ các dự án đầu tư trọng điểm của TP. Riêng Sở Tư pháp đã tư vấn cho UBND TP và các sở, ban ngành, quận, huyện 146 vụ việc, tăng 36% so với năm trước.

Việc nhập quốc tịch VN cho người không có quốc tịch cư trú ổn định trên địa bàn TP hơn 20 năm qua đã được giải quyết căn cơ. Không những thế việc thông báo kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua tin nhắn đã giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại. Chương trình quản lý hồ sơ và lập thư xin lỗi khi trễ hẹn với người dân đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ thụ lý giải quyết.

Một đột phá trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là việc thành công trong thí điểm thừa phát lại, đáp ứng nhu cầu của người dân, hỗ trợ việc thi hành án nhanh và hiệu quả. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng theo lộ trình thận trọng đáp ứng mục tiêu phát triển của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đánh giá cao những nỗ lực của ngành: “Đó là sự nỗ lực tự thân, chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc tham mưu, tư vấn pháp lý giúp TP và các ngành giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, đột xuất. Năm 2013, ngành tư pháp TP cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực xã hội hóa: công chứng, luật sư, thừa phát lại…”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cũng khen ngợi những kết quả mà ngành tư pháp TP đạt được, trong đó có sự năng động, sáng tạo Sở Tư pháp TP.HCM mang lại nhiều hiệu quả.

Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng

Bà Ung Thị Xuân Hương cho biết trong năm 2013, Thanh tra Sở Tư pháp sẽ tăng cường thanh tra các tổ chức hành nghề công chứng, 10 tổ chức hành nghề luật sư và trung tâm tư vấn pháp luật, 10 tổ chức bán đấu giá. “Để nâng cao chất lượng hoạt động công chứng trên địa bàn TP, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt sai phạm, Sở Tư pháp chú trọng thực hiện tốt vai trò hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ chức hành nghề công chứng, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, nhắc nhở khắc phục những sai sót khách quan. Sở sẽ duy trì giao ban định kỳ với các tổ chức hành nghề công chứng nhằm trao đổi nghiệp vụ, giải quyết khó khăn vướng mắc. Vừa qua, Trung tâm Tư vấn công chứng và Hội Công chứng TP cũng được thành lập nhằm hỗ trợ, củng cố thêm chất lượng nghiệp vụ công chứng” - bà Hương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính lưu ý: Tiến trình xã hội hóa công chứng tại TP.HCM được triển khai bài bản, có kiểm tra nghiêm túc nhưng cần phải siết chặt hơn nữa để hạn chế các thiếu sót, sai phạm. “Việc xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực, huy động sức dân nhưng Nhà nước phải quản lý chặt, không để có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, TP.HCM phải đi đầu nâng cao chất lượng hoạt động công chứng” - thứ trưởng nhấn mạnh.

Là một trong những lãnh đạo có thời gian dài theo sát, đồng hành cùng bước đường phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của báo Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính ghi nhận nỗ lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên của báo trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng nội dung, góp phần có hiệu quả vào công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật... Thứ trưởng yêu cầu: Báo cần hết sức cảnh giác, khắc phục tình trạng xơ cứng trong tư duy đề tài, trong cách thể hiện. Đội ngũ làm báo Pháp Luật TP.HCM phải tự vươn lên, tự nâng tầm để tiếp tục xứng đáng là chỗ dựa về pháp luật, là tờ báo được đông đảo bạn đọc tìm đến.

Tại hội nghị, ba tập thể: Phòng Công chứng số 5, phòng Tổ chức Sở Tư pháp, báo Pháp Luật TP.HCM và ba cá nhân: Bà Phạm Thu Lan (Trưởng phòng Tổ chức Sở Tư pháp), Đỗ Hà Hồng (Trưởng phòng Công chứng số 5) và Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng phòng Công chứng số 7) đã được trao tặng huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; bốn tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ngành tư pháp.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm