Bộ Công an dự thảo quy định cho người vi phạm được mang xe về nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Một nội dung được nhiều quan tâm đó là các đề xuất của Bộ Công an liên quan đến việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Bộ Công an dự thảo quy định cho người vi phạm được mang xe về nhà. Ảnh minh họa: TUYẾN PHAN

2 trường hợp được mang xe về nhà

Theo dự thảo, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm (gọi tắt là người vi phạm) có một trong hai điều kiện sau đây thì có thể được giao xe để tự bảo quản tại nhà, dưới sự quản lý của người có thẩm quyền tạm giữ.

Thứ nhất, cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn, hoặc giấy xác nhận về nơi công tác; tổ chức vi phạm có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; đồng thời phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

Thứ hai, người vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.

Nếu thấy đủ điều kiện, người vi phạm làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, đặc điểm của xe, tình trạng nơi dự kiến sẽ dùng để bảo quản xe…

Trong thời hạn không quá ba ngày kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định giao xe cho người vi phạm.  Trường hợp không đồng ý thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Khi giao xe cho người vi phạm, người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản và tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp người vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh.

Tiếp đó, trong thời hạn hai ngày kể từ ngày giao xe, người có thẩm quyền tạm giữ phải thông báo cho UBND xã/phường/thị trấn nơi đang có xe do người vi phạm bảo quản để phối hợp giám sát, quản lý.

Trong thời gian được giao bảo quản xe, người vi phạm không được phép sử dụng tham gia giao thông, nếu vi phạm thì người có thẩm quyền tạm giữ sẽ xem xét, quyết định chuyển xe về nơi tạm giữ của cơ quan mình...

Muốn đặt tiền bảo lãnh thì làm thế nào?

Như đã nêu ở trên, một trong hai trường hợp được xem xét cho mang xe về nhà là người vi phạm phải có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.

Theo dự thảo, để đặt tiền bảo lãnh, người vi phạm cần làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ, ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, đặc điểm của xe, tình trạng nơi dự kiến sẽ dùng để bảo quản xe…

Trong thời hạn không quá ba ngày kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao xe cho người vi phạm. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm, trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong cùng một vụ thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Người vi phạm có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Việc đặt tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản.

Tiền đặt bảo lãnh sẽ được trả lại cho người đặt bảo lãnh sau khi người vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt. Việc trả lại tiền đặt bảo lãnh phải được lập thành biên bản.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không chấp hành, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm sẽ ra quyết định khấu trừ tiền đặt bảo lãnh.

Nếu số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt, tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ được trả lại cho người đã đặt tiền bảo lãnh trước đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm