Bộ Công an sẽ không quản lý đào tạo, sát hạch lái xe

(PLO)- Điểm mới nhất của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần này là việc không giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi Bộ GTVT và Bộ Công an lần lượt trình Chính phủ dự thảo Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) tách ra từ Luật GTĐB, Văn phòng Chính phủ vừa gửi văn bản lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để trình Quốc hội (QH) cho ý kiến vào kỳ họp tới đây. Trong đó, nội dung của hai dự luật được điều chỉnh nhiều vấn đề so với lần trình QH tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2020.

Cấp giấy phép lái xe: Giữ nguyên như hiện hành

Trong lần trình QH đầu tiên, Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB chưa tạo được đồng thuận của đa số đại biểu QH, bởi nội dung dự luật có sự chồng chéo, chuẩn bị “còn sơ sài”.

Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, QH dự thảo tờ trình của hai bộ lên Chính phủ lần này có sự chuẩn bị kỹ hơn. Trong đó, Bộ Công an bổ sung báo cáo đánh giá tác động chính sách và thực hiện đánh giá tác động đối với toàn bộ nội dung dự kiến điều chỉnh tại dự thảo luật, không như lần trình trước đó.

Bộ Công an không quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mà giữ nguyên như quy định hiện hành. Ảnh: THY NHUNG

Bộ Công an không quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mà giữ nguyên như quy định hiện hành. Ảnh: THY NHUNG

Điểm mới nhất của dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB lần này là việc không giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) mà giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo đó, Bộ GTVT tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ này. Đặc biệt dự thảo sau nhiều lần chỉnh lý không đưa quy định chung chung là giao cho Chính phủ quy định cơ quan đảm nhận nhiệm vụ đào tạo, cấp GPLX mà được quy định thẳng vào trong luật là Bộ GTVT.

So với dự thảo luật trình QH khóa XIV, dự thảo hiện tại không quy định về hình thức cấp biển số ô tô thông qua đấu giá, do liên quan đến các quy định về quyền sở hữu tài sản của người dân. Việc trừ điểm của GPLX cũng được bỏ khỏi dự luật, do đây là hình thức xử lý vi phạm hành chính nên cần sửa đổi bổ sung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, dự luật đã luật hóa một số quy định dưới luật, như cấm xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB; cấm cải tạo các ô tô loại khác thành ô tô chở người; cấm khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp đổi, cấp lại GPLX.

Dự luật cũng cấm cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn GTĐB; cấm ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ…

Ngoài ra, dự luật có một điều chỉnh khá khác so với luật hiện hành và lần trình ra QH gần nhất, đó là Chính phủ quy định hạng GPLX mà không quy định cụ thể tại dự thảo luật.

Điểm mới đáng chú ý nhất của dự luật so với lần trình trước đây là việc Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về thẩm quyền dừng xe của thanh tra đường bộ.

Bỏ quy định về thẩm quyền dừng xe của thanh tra đường bộ

Về dự thảo Luật Đường bộ, hiện chỉ còn hai nhóm chính sách, gồm hoàn thiện khung pháp lý về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoàn thiện khung pháp lý về vận tải đường bộ. Tức dự luật chỉ còn những quy định mang tính “tĩnh”.

Cạnh đó, dự luật trên cũng bổ sung quy định về yêu cầu, vị trí xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo để đảm bảo an toàn giao thông và không ảnh hưởng đến đường bộ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; bổ sung quy định trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia, trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe.

Điểm mới đáng chú ý nhất của dự luật so với lần trình trước đây là việc Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về thẩm quyền dừng xe của thanh tra đường bộ, với mục đích tránh trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT.

Về việc tách luật, Bộ Công an lần đầu tiên đưa ra sáu điểm được xem là “cơ sở thực tiễn” cho việc tách luật. Chẳng hạn như Luật GTĐB điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự, an toàn GTĐB. Vì vậy luật không bao quát hết các nội dung điều chỉnh, từ đó dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Thêm vào đó, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Ngoài ra, theo Bộ Công an, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia xây dựng luật chuyên sâu về trật tự, an toàn giao thông, luật về kết cấu hạ tầng giao thông, luật về vận tải đường bộ. Công ước Viên năm 1968 mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về trật tự, an toàn GTĐB.

“Như vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn GTĐB xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Song song đó, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn GTĐB, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế…” - Bộ Công an cho hay.•

Người dân phải đổi giấy phép lái xe không thời hạn

Cùng với việc đề xuất Chính phủ quy định về hạng GPLX, thời hạn GPLX, Bộ Công an đưa vào dự luật quy định chuyển tiếp theo hướng GPLX được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm