Bộ Công an mới đây đã hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ. Rất nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến công tác dẫn độ và tội phạm bỏ trốn đã được bộ này nêu ra.
Theo đó, tính đến tháng 5-2019, Việt Nam có trên 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ngược lại, số người mang lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 người.
Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc PVTex - một trong những bị can bị Bộ Công an đề nghị Interpol phát lệnh truy nã quốc tế.
Bộ Công an cho biết đa số các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc lẩn trốn vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, các cơ quan chức năng rất khó nắm bắt di biến động để lập yêu cầu dẫn độ gửi ra nước ngoài hoặc truy bắt khi có yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.
Đặc biệt là thời gian gần đây, với sự phát triển của giao thông, các đối tượng phạm tội bỏ trốn sang các quốc gia châu Âu nhằm lợi dụng quy định bắt buộc của pháp luật các quốc gia này về việc nước yêu cầu dẫn độ phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ.
Một số đối tượng phạm tội hình sự thông thường nhưng đã sử dụng thủ đoạn gian dối để xin cấp quy chế tị nạn tại nước ngoài hoặc tại cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc, gây khó khăn cho việc dẫn độ.
Bộ Công an cho rằng các quy định của Việt Nam về công tác dẫn độ hiện nay còn một số vướng mắc. Điển hình là về cơ quan đầu mối dẫn độ.
Cụ thể, 11 hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ mà Việt Nam ký với các nước trước đây, VKSND Tối cao là cơ quan đầu mối về dẫn độ của Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp, BLTTHS năm 2015 và Luật Công an nhân dân năm 2018 đều khẳng định Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ.
Việc quy định không thống nhất như trên đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an trong dẫn độ.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình. Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định về cam kết không áp dụng án tử hình.
Một số quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình, do đó khi tiến hành tương trợ tư pháp về dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.
Do vậy, Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007.
Đạo luật về dẫn độ cần bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đồng bộ hóa các quy định về dẫn độ giữa đạo luật về dẫn độ với các quy định của pháp luật liên quan, nhất là trong BLHS và BLTTHS...
Cơ quan này cũng cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định về cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong một số trường hợp cụ thể nhằm đáp ứng các yêu cầu phòng, chống tội phạm và yêu cầu về chính trị, ngoại giao.