Ngày 28-9, Bộ Công Thương đã có những cảnh báo về vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên điện thoại di động. Đồng thời cũng đưa ra khuyến cáo đối với khách hàng để không mất tiền oan uổng.
Bộ Công Thương cho biết thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin liên quan đến việc một số nhà mạng đang “ăn chặn” tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ GTGT - VAS mà người tiêu dùng không biết hoặc khó có thể kiểm soát. Điều này đã gây ra nhiều lo ngại cho người sử dụng điện thoại di động.
“Khi người tiêu dùng mua SIM trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý SIM trên toàn quốc thì có một thực tế hầu như không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ GTGT trên SIM” - Bộ Công Thương nêu rõ.
Ngay cả khi người tiêu dùng đã thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ GTGT không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho khách hàng dùng thử các dịch vụ GTGT.
Người tiêu dùng nên kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng để tránh mất tiền oan. Ảnh: HTD
Việc đăng ký sử dụng một dịch vụ GTGT nhất định thông thường sẽ kèm theo một số dịch vụ GTGT khác mà người tiêu dùng không biết. Ví dụ như khi đăng ký dịch vụ GTGT 3G, người tiêu dùng sẽ mặc nhiên đăng ký thêm dịch vụ Data (dữ liệu di động). Nếu trong trường hợp người tiêu không hủy dịch vụ 3G hoặc không đăng ký dịch vụ 3G trọn gói thì chi phí truy cập mạng Internet sẽ tăng rất cao, có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn.
Từ đó, Bộ Công Thương đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết các dịch vụ GTGT đang được cài đặt trên máy và đã được đăng ký sử dụng: Thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung tương tự từ một đầu số nhất định; tiền cước hằng tháng tăng bất thường (đối với di động trả sau) và tài khoản bị trừ một khoản tiền bất thường (thuê bao di động trả trước).
“Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu bất thường và nghi ngờ việc điện thoại di động của mình đã và đang bị tự động kích hoạt dịch vụ GTGT, người tiêu dùng nên liên hệ với tổng đài của các bên cung cấp dịch vụ để kiểm tra danh sách các ứng dụng dịch vụ GTGT được đăng ký trên số thuê bao của mình. Hoặc soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 1228 đối với mạng Viettel; KT gửi 994 đối với Mobifone và TK gửi 123 đối với VinaPhone” - Bộ Công Thương khuyến cáo.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, để tránh việc các nhà mạng tự động gửi tin nhắn quảng cáo dạng flash, người tiêu dùng có thể trực tiếp vào menu SIM trên điện thoại và tắt tất cả ứng dụng nhận tin nhắn quảng cáo dạng flash (V-Live, Liveinfo, Viettel Plus) nếu không có nhu cầu sử dụng. Sau khi kiểm tra các dịch vụ, khách hàng soạn tin nhắn để từ chối các dịch vụ theo hướng dẫn.
Để tránh bị mất tiền oan Để tự bảo vệ mình, khách hàng nên cài đặt ứng dụng Whypay cho smartphone tại địa chỉ https://whypay.vn/ (tương thích các thiết bị Android và iOS). Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần lựa chọn nhà mạng tương ứng và gói cước đang sử dụng. Trong giao diện chính của Whypay, người dùng hãy chạm vào mục quét các D.V trừ ngầm > kiểm tra dịch vụ VAS (GTGT) và gửi tin nhắn kiểm tra theo cú pháp đã được soạn sẵn. Khi đã có kết quả, người dùng chỉ cần nhắn tin hủy bớt các dịch vụ không cần thiết để tránh bị mất tiền oan. MINH HOÀNG Mobifone hứa sẽ khắc phục Tại công văn vừa gửi báo Pháp Luật TP.HCMchiều 28-9, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone trân trọng cám ơn các nội dung phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM về một số nội dung liên quan đến đăng ký dịch vụ GTGT nội dung trên mạng Mobifone vừa qua. Mobifone cũng khẳng định luôn bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh doanh cũng đã xảy ra những hạn chế, sơ suất trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, từ phản ánh của người tiêu dùng trên mạng xã hội và báo Pháp Luật TP.HCM, Mobifone đã chủ động kiểm tra và rà soát các quy trình cung cấp dịch vụ và những quy chế hợp tác với các CP/SP (content Provider/Services provider) để xử lý và giải quyết các vấn đề mà người tiêu dùng và báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh. “Ban lãnh đạo công ty cũng đã có quyết định xử lý kịp thời một số đơn vị CP/SP vi phạm quy chế hợp tác theo thông tin phản ánh của báo chí trong thời gian qua. Trước đó chúng tôi cũng đã từng kiểm tra xử lý ở nhiều mức độ, xử phạt và thậm chí chấm dứt hợp đồng với hơn 30 đối tác vi phạm quy chế hợp tác” - văn bản của Mobifone cho biết. Công ty này cũng cho hay từ những phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM và dư luận mạng xã hội, trên cơ sở kiểm tra giám sát, trong thời gian tới Mobifone sẽ tiếp tục hoàn thiện ở mọi lĩnh vực như khách hàng sẽ được xác nhận trước khi đăng ký và sử dụng dịch vụ, thông tin về dịch vụ đang sử dụng, cách thức hủy dịch vụ sẽ được gửi thường xuyên để khách hàng được biết. “Ngoài việc không phân chia doanh thu vi phạm để hoàn cước khách hàng, Mobifone dừng hợp tác vĩnh viễn đối tác vi phạm và chuyển thông tin sang cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý. Mobifone sẽ triển khai bổ sung các giải pháp kỹ thuật để quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động đăng ký dịch vụ của khách hàng. Qua đó đảm bảo cung cấp dịch vụ đúng kịch bản quy định, đặc biệt là kịch bản thông báo cho khách hàng thông tin về dịch vụ đang sử dụng cũng như cách thức hủy dịch vụ theo quy định của Thông tư 17/2016/TT-BTTTT” - Mobifone cam kết. Bên cạnh đó, Mobifone sẽ tăng cường truyền thông cho khách hàng biết và phòng tránh các phương thức quảng cáo lôi kéo người sử dụng đăng ký các dịch vụ trên mạng Internet mà khách hàng không có nhu cầu sử dụng. “Đối với thông tin phản ánh của khách hàng và cơ quan ngôn luận, báo chí, Mobifone sẽ rút ngắn thời gian kiểm tra, xử lý và nhanh chóng giải đáp, phản hồi trên tinh thần tôn trọng và vì quyền lợi của khách hàng; chỉ đạo các trung tâm chăm sóc khách hàng nhanh chóng kiểm tra, truy vấn các dịch vụ GTGT mà khách hàng có phản ánh để xử lý kịp thời và thông báo kết quả cho khách hàng” - văn bản của Mobifone nhấn mạnh. |