Bộ GD&ĐT vừa công bố bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “ba chung” sau 12 năm áp dụng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quan điểm đúng đắn thể hiện sự mềm dẻo trong tuyển sinh, giúp tuyển được những thí sinh phù hợp với ngành học. Tuy nhiên, cần phải có ngưỡng trúng tuyển để việc tuyển sinh không quá dễ dãi.
Ít nhất phải 13-15 điểm
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường năm nay xét tuyển dựa trên học bạ lớp 10, 11 và học kỳ đầu của lớp 12, cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nếu vẫn để điểm sàn là mâu thuẫn vì các trường tuyển sinh riêng vẫn lấy nguồn tuyển từ kỳ thi “ba chung”. Quyết định bỏ điểm sàn là đúng nhưng các trường thi “ba chung” sẽ xét tuyển với mức điểm bao nhiêu là hợp lý?”.
Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, ông vẫn chưa biết trường mình sẽ lên phương án thay thế điểm sàn như thế nào nhưng: “Để một thí sinh có thể học được ĐH thì trung bình phải đạt 5 điểm mỗi môn thi, tức ngưỡng trung bình nên là 15 điểm” - ông Hùng nói. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng đối với những ngành khó tuyển sinh, thí sinh ít đăng ký dự thi thì điểm có thể thấp hơn một chút nhưng không thấp hơn 13 điểm. “Theo tôi, mức 13 điểm là mức tối thiểu mà hàng chục năm nay các trường ấn định điểm trúng tuyển ở mức thấp nhất và vẫn đào tạo được sinh viên. Nếu thấp nữa thì chất lượng khó bảo đảm” - ông Hùng cho biết.
Đề thi là khâu quan trọng để chọn ngưỡng điểm tối thiểu vào ĐH, CĐ. Trong ảnh: Vận chuyển đề thi khối B năm 2013 tại hội đồng thi Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG
PGS-TS Phạm Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội), cho biết năm nào điểm đầu vào nhà trường cũng lấy trên điểm sàn ít nhất là ba điểm. Do vậy bỏ điểm sàn thì nhà trường vẫn lấy đầu vào từ 16,5 điểm trở lên, không thể thấp hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Bổng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp (Hà Nội), cho biết khi Bộ bỏ phương án điểm sàn, nhà trường sẽ tự xác định phương án điểm phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển vẫn phải căn cứ trên chỉ tiêu đào tạo của nhà trường, theo phương châm lấy từ cao xuống thấp. Nhưng nguyên tắc là sẽ không xét trúng tuyển những thí sinh có điểm thi quá thấp.
Cần có một đề thi chuẩn
Ngoài việc cho rằng ngưỡng 15 điểm là “điểm đẹp” để các trường tuyển thí sinh có chất lượng thì TS Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho rằng: “Quan trọng là đề thi phải theo hướng chuẩn. Một đề thi được cân, đong, đo, đếm độ khó theo chuẩn nghiêm ngặt thì tuyển sinh sẽ có chất lượng hơn. Chẳng hạn, đề thi năm 2013 được đánh giá là dễ hơn so với đề thi năm 2012, như vậy đề thi chưa thật chuẩn”.
Đồng tình, ThS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, nói: “Quyết định điểm trúng tuyển phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượng thí sinh dự thi so với chỉ tiêu ngành, độ khó dễ của đề thi… Trong đó đề thi là khâu quan trọng. Một khi dư luận cho rằng đề dễ thì cho dù mức 15 điểm cũng chưa phải tuyển được thí sinh thực chất. Do đó, theo tôi ngưỡng quan trọng nhất vẫn là đề thi, vì đề thi quyết định tất cả”.
Q.DŨNG - H.HÀ
“Sàn” của trường phải “chắc” Đối với các trường tốp trên, điểm sàn không ảnh hưởng vì điểm trúng tuyển luôn cao hơn sàn 3-8 điểm, thậm chí cao gần gấp đôi sàn (như điểm của các trường khối y dược). Đối với các trường tốp dưới, TS Huỳnh Chức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng: “Điểm trúng tuyển ngoài căn cứ vào chỉ tiêu khi lấy từ cao xuống thấp thì các trường phải mạnh dạn cắt và dành chỉ tiêu còn thiếu để xét tuyển. Vì nếu tuyển thí sinh có điểm thấp thì sinh viên học không nổi và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường. Do đó, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn nhưng không có nghĩa là bỏ sàn, mà các trường phải tự sàng lọc, coi trọng sản phẩm đầu vào và đầu ra”. |