Kết quả khảo sát cũng cho thấy rất ít học sinh chọn thi môn lịch sử, thay vào đó là các môn vật lý, hóa học...
“Phải đậu tốt nghiệp trước đã”
Học ban D né...ngoại ngữ Tại Hải Phòng, một số giáo viên của các trường THPT Kiến An, Thái Phiên cho biết chính các em học sinh ban D lại băn khoăn nhiều về môn ngoại ngữ sau khi biết Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh đề thi theo hướng bổ sung phần bài luận. Một giáo viên làm công tác chủ nhiệm ở Kiến An nói: “Học sinh của tôi sẽ thi khối D nhưng tôi ngạc nhiên khi các em nói “chưa chắc đã chọn môn ngoại ngữ để thi tốt nghiệp vì sợ bài luận”. Trao đổi với đồng nghiệp là giáo viên dạy ngoại ngữ thì được biết lâu nay học sinh thi ngoại ngữ trắc nghiệm nên các em không được rèn luyện viết bài luận, nhiều em không thể nhớ được từ mới”. |
Ông Trần Hữu Hòa, phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết nhà trường đang làm công tác tư vấn và thông tin kỹ hơn, rõ hơn về các môn thi. Sau đó sẽ cho học sinh chọn môn lại. “Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy có nhiều em chọn môn thi một cách cảm tính. Các em thích ngoại ngữ nhưng rất ít học sinh biết môn ngoại ngữ năm nay sẽ không thi giống như mọi năm. Đề thi không chỉ có các câu hỏi trắc nghiệm khách quan mà còn có cả bài viết luận. Một số học sinh khác thì sợ học bài nên không dám đăng ký thi sử, địa” - ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cảnh báo: “Nhiều em cứ chọn môn theo khối thi tuyển sinh đại học của mình. Điều này rất tốt đối với những học sinh khá, giỏi. Còn với những học sinh trung bình trở xuống thì nên xem xét lại: nên chọn môn nào mình có kiến thức vững nhất. Bởi các em phải thi đậu tốt nghiệp THPT trước đã”.
Theo thầy Trần Phước Đức - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM), trường có 78,7% học sinh chọn thi môn vật lý, 46,2% học sinh chọn thi môn hóa, trong khi chỉ có 7,8% (50/634 em) học sinh chọn thi môn sử, 4,3% (27/634) học sinh chọn thi môn địa, riêng môn tiếng Anh có đến 55,2% học sinh chọn thi.
Ở Trường THPT Gia Định, số học sinh chọn thi môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh vẫn thuộc dạng “áp đảo” (629/1.002 học sinh thi môn lý, 523 thi hóa, 224 thi sinh học, 573 thi tiếng Anh). Chỉ có 25 học sinh chọn thi môn sử và 30 học sinh chọn thi môn địa.
Học sinh ban D “chấm” môn địa
Với môn địa, tình hình ở Hà Nội không như ở TP.HCM. Một cô giáo dạy địa lý Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết học sinh lớp ban D ở trường này chọn môn địa rất nhiều, có lớp ban D có đến 2/3 số học sinh chọn thi môn địa lý cùng với ba môn thi đại học của các em là toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
“Em nghe các cô giáo nói nếu biết tận dụng atlat địa lý để trả lời các câu hỏi liên quan thì việc đạt điểm 5 trở lên môn địa lý dễ dàng. Chưa kể môn địa lý không cần học thuộc lòng như lịch sử” - Nguyễn Thị Hồng, HS Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nói.
Bà Phương Lan, lãnh đạo Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), phân tích: “Học sinh trường tốp đầu của Hà Nội đa số đặt mục tiêu thi đại học nên với quy định năm nay, trước hết các em sẽ lựa chọn những môn trùng với môn thi đại học, sau đó sẽ chọn môn ít phải học nhất. Nếu như học sinh ban A đa số chọn vật lý, hóa học thì ban D chọn địa lý”.
Môn thi tốt nghiệp sẽ là môn thi ĐH Tại Đà Nẵng, nhiều trường THPT trên địa bàn cho biết tới nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn thi tốt nghiệp nên vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc ôn tập thi tốt nghiệp cho HS. HS Nguyễn Thị Tú Anh (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) cho biết mình dự định thi ĐH khối A nên kỳ thi tốt nghiệp tới đây sẽ chọn hai môn vật lý và hóa học. “Thi hai môn này cùng với khối thi ĐH giúp em chuẩn bị ôn thi và tự tin hơn khi thi ĐH” - Tú Anh cho hay. Còn tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng), nhiều HS khối 12 cũng khá tự tin trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. HS Ngọc Thảo (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) cho hay: “Các bạn thường chọn thi tốt nghiệp môn mà mình sẽ thi ĐH theo khối. Tuy nhiên, do em dự tính thi vào ĐH Ngoại ngữ khối D nên ngoài môn ngoại ngữ, chắc em sẽ chọn thi môn địa lý vì môn này ôn thi đỡ vất vả hơn những môn còn lại”. Thầy Phan Văn Tánh - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) - cho biết hiện trường chưa nhận được văn bản về kế hoạch thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi các giáo viên của trường khảo sát trên lớp thì đa số các em đều có ý kiến là chọn môn thi tốt nghiệp trùng với khối mà các em sẽ thi ĐH. “Thường thì các em khối A sẽ chọn hai môn vật lý, hóa học; khối C thì sử, địa. Còn riêng em nào dự tính thi khối D tôi thấy các em chọn giải pháp an toàn là thi môn địa lý bởi môn này dễ học, dễ thi hơn các môn còn lại” - thầy Tánh cho biết. |
Theo Tuổi trẻ Online