Tiếng Anh: chìa khóa để du học

Thông tin “Bộ GD&ĐT có thể xếp ngoại ngữ chỉ là môn khuyến khích để cộng điểm tốt nghiệp THPT năm nay” đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi chờ Bộ GD&ĐT cân nhắc thêm, bài viết dưới đây cho thấy việc học tiếng Anh từ rất lâu đã trở thành yếu tố tiên quyết để sinh viên Việt Nam có thể đủ sức học tập, làm việc trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp, hiện đại.

Sẽ có nhiều con đường để bạn trở thành một du học sinh: Tự túc chi phí, săn các loại học bổng hoặc đi du học theo dạng được cơ quan phân cử để nâng cao nghiệp vụ… Nhưng dù bạn chọn cách nào đi nữa thì tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung vẫn là yêu cầu không thể bỏ qua được.

Yếu tiếng Anh: Phải về nước

Nhiều người lầm tưởng “chỉ cần có tiền là có thể vi vu đi du học và mang về tấm bằng đại học nước ngoài”. Nếu cắt nghĩa cho đúng cụm từ “ăn học” ở nước ngoài thì nhận định trên chỉ đúng một nửa. Nghĩa là đó mới chỉ là “ăn”, còn muốn “học” thì bạn phải có tiếng Anh. Bởi lẽ môi trường học tập đòi hỏi các cá nhân phải hiểu nhau thông qua quá trình trao đổi, phản biện hoặc trình bày. Vậy nên dù có tiền nhưng nhiều sinh viên yếu tiếng Anh đã phải đầu hàng.

 Thiếu tiếng Anh, nhiều bạn trẻ sẽ mất cơ hội học tập và nghiên cứu ở môi trường hiện đại, đặc biệt ở các nước phát triển. Ảnh minh họa: GIANG PHẠM

Thầy HA, một giảng viên tiếng Anh lâu năm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), từng kể: “Tôi có một sinh viên đi du học tại Úc ngành công nghệ thông tin. Do tiếng Anh không giỏi nên khi qua Úc em bị “ngợp” vì không hiểu giảng viên nói gì, giảng bài gì. Về nhà tự đọc sách em cũng không theo kịp. Chi phí học Anh văn bên Úc lại quá cao nên gia đình cũng khó theo lâu dài. Quá hoảng loạn, em phải dừng học, về nước học Anh văn thêm vài ba tháng để trở lại”.

Thậm chí những sinh viên có khả năng tiếng Anh tốt cũng thừa nhận nếu chỉ học tiếng Anh lớt phớt thì du học cũng là cụm từ xa xỉ. ThS Phạm Thủy Tiên, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, đã chia sẻ về khó khăn khi vừa sang du học theo chương trình học bổng của ĐH Maastricht (Hà Lan). “Vốn tiếng Anh mình được trang bị khi còn học ở Việt Nam dù được thầy cô, bạn bè đánh giá là rất khá nhưng cũng chỉ có thể giúp ích trong quá trình giao tiếp với những kiến thức thông thường khi sang Hà Lan. Khi bước vào môi trường học thuật, có nhiều từ chuyên môn tôi rất khó tiếp cận ngữ nghĩa nội hàm.  Vậy nên tôi phải rất cố gắng đọc sách thật nhiều để trau dồi từ vựng và làm quen với những thuật ngữ mới” - ThS Thủy Tiên nói.

Chị Nguyễn Trần Phi Yến, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh theo chương trình học bổng tại ĐH Gloucestershire (Vương quốc Anh), cũng có quan điểm như thế. Chị nói thêm: “Việc học ở nước ngoài không chỉ đòi hỏi vốn tiếng Anh giao tiếp, mà quan trọng hơn là tiếng Anh trong lĩnh vực học thuật. Việc tiếng Anh học thuật còn yếu sẽ gây khó khăn cho du học sinh khi viết tiểu luận và luận văn tốt nghiệp”.

hoặc mất học bổng...

Không chỉ các trường hợp tự túc chi phí học tập, nhiều sinh viên có thành tích học tập rất xuất sắc nhưng thiếu ngoại ngữ cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không thể du học chỉ vì tiếng Anh chưa tốt. Bởi lẽ các học bổng du học đều yêu cầu ứng viên phải chứng minh khả năng tiếng Anh thông qua việc viết hồ sơ bằng tiếng Anh, vượt qua các kỳ thi khảo sát tiếng Anh hoặc chứng minh trình độ bằng các chứng chỉ Anh văn quốc tế, hay ít nhất là phải thể hiện bản thân qua các kỳ phỏng vấn.

Bạn LTT, sinh viên chuyên ngành điện-điện tử (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp loại xuất sắc (9/10 điểm), chua xót nói: “Mình muốn kiếm học bổng chương trình cao học tại ĐH Công nghệ Nanyang. Nhưng vì tiếng Anh còn kém nên việc viết thư xin theo học với các giáo sư, viết kế hoạch học tập, thư giới thiệu, đề xuất dự án nghiên cứu, thư thuyết phục người ta tài trợ tiền cho mình học… rất khó”. Cũng theo bạn T., lúc học cấp 3, cứ nghĩ với khối A thì toán - lý - hóa là chính nên bạn chỉ học tiếng Anh tàn tàn. Giờ bạn mới thấy thấm thía cho cách suy nghĩ chưa đúng này.

Thành tích “khủng” nhờ tiếng Anh

Trái ngược với các trường hợp thất bại, đã có rất nhiều cái tên sinh viên Việt Nam được xướng lên trước diễn đàn quốc tế nhờ họ vừa có kiến thức, vừa giỏi tiếng Anh nên đã nắm bắt tốt các cơ hội.

Điển hình như TS trẻ Nguyễn Chí Hiếu (hiện là giám đốc nhân sự Học viện Yola), với bề dày thành tích “khủng” như sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006, học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Stanford - Học bổng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Theo TS Hiếu, các bạn trẻ “cần chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững vàng. Đây là điều kiện cần và đủ để bạn có thể đạt được các suất học bổng giá trị và là chìa khóa quan trọng để giúp bạn thành công trên con đường học vấn sau này, đặc biệt là khi phải tiếp cận với một nền giáo dục hoàn toàn mới”.

Chị Phi Yến chỉ ra kinh nghiệm: “Đến bây giờ ra trường và đi làm thì tiếng Anh vẫn là kiến thức và kỹ năng mà tôi sử dụng nhiều nhất. Hầu hết những cơ hội mà tôi nhận được đều phần lớn nhờ vào tiếng Anh”. Ở tuổi 25, chị Yến sớm sáng lập và trở thành giám đốc điều hành của ZigZag Career (công ty chuyên tư vấn xây dựng thương hiệu cá nhân). Năm 2010, chị vượt qua hàng trăm ứng viên xuất sắc khác sau ba vòng thi gay cấn, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam nhận chiếc vé tham gia diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu do UNESCO tổ chức tại ĐH Connecticut (Mỹ) cùng 100 bạn trẻ đến từ 83 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, chị còn được tham gia trải nghiệm nhiều chương trình giao lưu, học tập và nghiên cứu tại nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ, Philippines.

ĐỖ THIỆN

Tiếng Anh: chìa khóa để du học ảnh 2
 
ThS NGUYỄN TRẦN PHI YẾN, Giám đốc điều hành ZigZag Career (TP.HCM):

Khối học nào cũng cần

Đối với sinh viên khối kỹ thuật, tiếng Anh tuy không phải là yếu tố ưu tiên nhưng người giỏi tiếng Anh luôn luôn có cơ hội cao hơn, cả về mặt tiếp cận các học bổng du học lẫn thăng chức khi đi làm. Còn với các bạn sinh viên khối kinh tế-xã hội thì tiếng Anh có thể được xem là một trong những ưu tiên cao nhất để bạn có thể hoàn thành tốt việc học và có tương lai, nghề nghiệp tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm