Chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Đa số các ĐB đồng tình với việc lùi thời gian thực hiện đề án, tuy nhiên nhiều ĐB cũng băn khoăn cho rằng việc lùi thời gian này sẽ gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Thậm chí có ĐB đề nghị Bộ GD&ĐT công khai đã tiêu bao nhiêu tiền thực hiện đề án ba năm qua.
ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng chương trình này chưa đem lại hiệu quả nên việc lùi thời gian là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng các cơ sở phổ thông. Đồng thời có thời gian đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như tính toán kinh phí tổ chức.
ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình).
Nhiều ý kiến đánh giá lùi thời gian áp dụng sẽ gây tốn kém ngân sách, ĐB Cao Thị Giang cho rằng đánh giá này chưa hợp lý. Bởi việc thực hiện chương trình trong thời gian qua là bài học cho ngành giáo dục trong thực hiện đổi mới giáo dục.
Theo vị này, để triển khai có hiệu quả, tránh lặp lại như thời gian qua cần chuẩn bị đội ngũ biên soạn SGK toàn diện, đào tạo cho đội ngũ giáo viên. Từ đó tạo được sự đồng thuận của giáo viên và học sinh, nhân dân.
Tuy nhiên, tranh luận lại với ĐB Cao Thị Giang, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) có góc nhìn khác. Theo ĐB Cầu, đề án thực hiện qua ba năm nhưng không ai biết Bộ GD&ĐT đã chi bao nhiêu tiền. Theo nghị quyết của Chính phủ thì từ tháng 6-2016 đến tháng 7-2018, chúng ta phải có ba bộ SGK lớp 1, 6 và 10.
“Vậy qua thời gian đó, xin hỏi Bộ GD&ĐT đã làm được bao nhiêu sản phẩm, chi bao nhiêu tiền ngân sách để làm các sản phẩm đó. Có như vậy chúng ta mới tính được việc thực hiện đề án tốn kém, lãng phí không” - ĐB Cầu nêu vấn đề.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).
ĐB Nguyễn Hữu Cầu cũng cho hay theo kế hoạch chi phí trọn gói cho chương trình này ban đầu là 778 tỉ đồng nhưng theo báo cáo mới nhất trong tờ trình của Chính phủ, con số này lên đến 80 triệu USD, tương đương gần 1.800 tỉ đồng.
“Chúng ta chọn con số nào để tính toán đây? Tôi nghĩ lùi thời gian áp dụng bao nhiêu năm không quan trọng, điều quan trọng việc lùi thời gian đó tiêu tốn ngân sách nhà nước bao nhiêu. Tôi dám chắc khi kéo dài thời gian sẽ phát sinh chi phí. Một đồng cũng là thuế của dân, nếu lãng phí sẽ rất có tội” - ĐB Nguyễn Hữu Cầu chốt lại.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đọc tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Theo đó, Nghị quyết số 88 của QH yêu cầu từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đề xuất lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới ở cấp tiểu học một năm, cấp THCS hai năm và cấp THPT ba năm.