Hồi nhỏ chỉ nhớ chuyện chơi, già lại nhớ chuyện đi học. Á ngộ ta… Nhớ thầy, nhớ cô, nhớ những trò quỷ của bọn đứng hàng thứ ba trong danh sách “phá hoại”, rồi bỗng dưng nhớ lại mấy câu ca dao trong cuốn sách tập đọc lớp 5 gọi là “vần con gà” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Té ra mấy câu ca dao này đã theo tụi tui gần 60 năm mà vẫn còn nhớ, hay thiệt!
Nói tới nói lui, loanh quanh lại bàn về chuyện sách giáo khoa (SGK). Tất cả đều nhất trí với nhau là hồi đó đi học thì cha mẹ không phải lo tiền mua SGK cho mấy đứa em của mình. Một bộ SGK cho một năm học thí dụ như “Quốc sử” hay “Quốc văn”, toán… thường được thằng anh truyền lại cho đứa em kế của mình và đứa em kế sẽ giao lại cho đứa em kế nữa trong một gia đình đông con kiểu như truyền của thừa kế, chứ không phải có ba đứa con thì mỗi năm cha mẹ bạc đầu khi phải lo mua từng bộ SGK cho từng đứa, còn sách cũ thì bán ve chai. Sở dĩ ngày xưa có cái màn trao lại “kinh thư” tiểu học hay trung học vì chương trình học không bị cải cách, cải tiến hay thay đổi hằng năm. Chương trình lớp 3 năm trước với bộ SGK này thì năm sau vẫn với bộ SGK này sẽ học chương trình lớp 3 y như năm trước.
Những cuốn sách xưa được truyền từ đời anh sang đời em.
Lên đến bậc trung học thì chuyện SGK của ông anh truyền giao lại cho thế hệ những thằng em cũng y xì như hồi tiểu học. Còn ngon hơn nữa là học sinh trung học có thể toàn quyền chọn mua SGK theo ý mình mong đợi, túi tiền mình đang có, tác giả mình ưa thích. Thậm chí nếu không ai cho sách mình thì mình có quyền đi mua sách “sôn” giá rẻ để học, miễn sách đó có chữ, đúng chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục và không bị thằng học năm trước vẽ bậy lăng nhăng, lít nhít. Tìm SGK cũ không khó khi bạn chịu khó đến khu vực bán sách cũ gần đường Trường Sơn, rạp Nam Quang đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám) hay đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Mỗi quyển SGK cũ có thể giảm giá hơn phân nửa tùy theo sách cũ, mới và sự trả giá. Giáo sư không bao giờ kiểm tra học sinh mình học sách của tác giả nào, thậm chí có sách hay không nữa. Học sinh nào không có sách thì thiệt thòi, thế thôi!
Sở dĩ hôm nay mấy thằng già bàn chuyện SGK không phải vì luyến tiếc cái sự học mà vì có người phải lo cho con cháu không có cái gọi là “vở bài tập” (VBT) cho năm học sắp tới. Mỗi năm học sinh phải mua một bộ VBT mới tỏe tòe toe, không được thừa hưởng VBT của anh hay chị vì trong quyển VBT này, Bộ Giáo dục quy định là học sinh làm bài tập trong vở chứ không phải làm ngoài vở riêng. Bộ Giáo dục đã cải tiến SGK kiêm luôn là vở bài tập nên năm nào học xong thì vở bài tập phải bán ve chai chứ cho không cũng chẳng ai nhận. Sự cải tiến này vô cùng có lợi cho những nhà xuất bản và nhà in riêng của Bộ Giáo dục mà bọn xấu lưỡi, rụng răng gọi là “nồi cơm” riêng của làng. Bởi vậy hằng năm, trước ngày nhập học là những nhà in này chạy hết công suất mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, ngoài việc chạy trường thì chuyện nhờ vả mua giùm VBT cho con cháu ở nhà đang rộ khi đến các nhà sách tìm mua VBT cho năm học tới kể như là chuyện gây khó cho nhau.
Hay là nên cải tiến cho học sinh làm VBT bằng bút chì, thầy cô cho điểm cũng bằng bút chì. Cuối năm, học sinh sẽ có một đợt tổng tẩy xóa các vở bài tập để có thể để lại cho các em nó xài. Nhưng như vậy thì “nồi cơm” bị bể… Ai cha, đúng là chuyện khó vậy mà cũng nghĩ ra!