Trước đó, UBND TP.HCM đã có kiến nghị Bộ GTVT về các dự án trọng điểm ở TP.HCM, với mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT đã có phản hồi về các dự án trên.
Về cao tốc TP.HCM - Mộc Bài: Theo Bộ GTVT, việc hỗ trợ ngân sách TP cho công tác GPMB phục vụ dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, theo hình thức PPP đã được Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền. Nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua không cân đối để hỗ trợ cho dự án này.
Bộ GTVT đã có phản hồi về các dự án cao tốc trên địa bàn TP.HCM. |
Vì vậy, đề nghị UBND TP.HCM làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ cho công tác GPMB của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về báo cáo cấp có thẩm quyền tăng tổng mức đầu tư vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án vành đai, cao tốc, ước tính khoảng 75.000 tỉ đồng.
Trong Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 năm 2021 chỉ bố trí 17.146,563 tỉ đồng hỗ trợ cho dự án vành đai 3 TP. HCM. Đến nay, dự án đã cân đối đủ nguồn vốn và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Vì vậy, đối với các dự án đường bộ cao tốc, vành đai khác được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP.HCM và các địa phương là cơ quan có thẩm quyền để triển khai, đề nghị UBND TP.HCM và các địa phương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho các dự án. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Dự án có tổng mức đầu tư là 31.320 tỉ đồng, sử dụng ba nguồn vốn là vốn vay ADB, vốn vay JICA và vốn đối ứng.
Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa phận TP.HCM dài 26,4 km, thuộc phạm vi bảy gói thầu xây lắp (5 gói thầu sử dụng nguồn vốn JICA, 2 gói thầu sử dụng nguồn vốn ADB). Trong quá trình thực hiện, dự án gặp một số vướng mắc về nguồn vốn ADB, JICA dẫn đến dừng thi công từ cuối năm 2019.
Trong quá trình chờ cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về vốn cho dự án, VEC đã quyết định sử dụng các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của VEC để thanh toán khối lượng đã thực hiện cho các nhà thầu. Bên cạnh đó, thực hiện công tác GPMB còn lại và tái khởi động thi công toàn bộ dự án. VEC đang đàm phán với các nhà thầu để khẩn trương thi công.
Bộ GTVT đang tập trung tối đa nguồn lực để hỗ trợ VEC, quyết liệt chỉ đạo giải quyết các thủ tục cần thiết để triển khai hoàn thành dự án theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với công tác GPMB, hiện đoạn qua địa phận TP.HCM còn vướng 17 hộ tại huyện Bình Chánh. Tại huyện Nhà Bè còn vướng phần GPMB bổ sung cho ba đường điện cao thế (một đường điện 500KV Nhà Bè - Ô Môn và 02 đường.
TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác GPMB dự án để bàn giao cho VEC và các nhà thầu triển khai thi công.
Đối với dự án đầu tư cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Bộ GTVT đã có Quyết định giao Ban QLDA Mỹ Thuận lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đến nay, Ban QLDA Mỹ Thuận đã trình Bộ GTVT đề xuất dự án để dự kiến đầu tư theo hình thức ODA (sử dụng vốn vay JICA) với tổng chiều dài 55 km, quy mô 8 - 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.882 tỉ đồng.
Hiện nay, Bộ GTVT đang làm việc với JICA để xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư. Đồng thời, theo đề nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ GTVT đã có văn bản giao VEC nghiên cứu, xây dựng các phương án đầu tư. Từ đó, báo cáo Bộ GTVT phương án tối ưu nhất làm cơ sở để Bộ GTVT làm việc với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp để thống nhất phương án đầu tư tuyến cao tốc này. Đến nay, VEC đang triển khai thực hiện.
Vì vậy, sau khi xác định phương án đầu tư phù hợp, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đối với dự án đường sắt Sài Gòn-Cần Thơ, dự án có chiều dài khoảng 174 km, đường đôi, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.
Để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu.