Theo đó, Bộ GTVT đưa ra bốn hình thức đầu tư nhà ga. Cụ thể, giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; sử dụng ngân sách nhà nước; thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư và đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV. Nguyên nhân do đây là doanh nghiệp nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu, đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết.
Bên cạnh đó, ACV cũng thể hiện được năng lực qua các công trình quan trọng được doanh nghiệp này đầu tư trong suốt thời gian qua như nhà ga hành khách T2 Nội Bài, sân bay Phú Quốc, nhà ga hành khách sân bay quốc tế Vinh… Cùng đó, ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện xây dựng nhà ga hành khách T3. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án với thời gian dự kiến hoàn thành đưa dự án vào khai thác sau 37 tháng kể từ khi chủ trương đầu tư được duyệt.
“Vì vậy, việc giao ACV làm chủ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có hiệu quả tài chính nói chung và sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng là rất cần thiết, để tạo nguồn bù đắp một phần vốn đầu tư và duy trì khai thác liên tục tại các cảng hàng không không mang lại hiệu quả mà ACV đang quản lý để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế vùng miền…” - Bộ GTVT lý giải.
Đối với ba phương án còn lại, Bộ GTVT cho rằng không khả thi, tốn nhiều thời gian, ngân sách hạn hẹp, quá trình vận hành và khai thác phức tạp…
“Bộ GTVT lên nhiều phương án, trong đó giao cho ACV là tối ưu nhất. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV. Khi ACV còn trực thuộc Bộ GTVT, Bộ đã giao ACV nghiên cứu thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…” - ông Lê Đình Thọ giải thích.
Theo Bộ GTVT, công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách, tuy nhiên đến năm 2018 đã đạt mức 38,3 triệu hành khách. Việc đầu tư nhà ga T3 phải mất bốn năm, đến năm 2021 mới có thể đưa vào hoạt động. |