Bộ GTVT đề xuất sửa Bộ Luật hàng hải 2015

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất sửa Bộ Luật Hàng hải Việt Nam theo hướng quy định rõ hoạt động của tàu lặn biển, du thuyền, chủ tàu Việt Nam treo cờ nước ngoài. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành báo cáo tổng kết thi hành Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015. Trong đó, bộ đề xuất sửa đổi một số quy định chưa phù hợp để giúp lĩnh vực hàng hải phát triển.

Theo Bộ GTVT, pháp luật hiện hành đã nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, việc áp dụng Bộ luật Hàng hải 2015 đang phát sinh các hành vi ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn như việc chủ phương tiện tự ý hoán cải, thay thế, lắp thêm hoặc tháo bỏ thiết bị, tự ý tắt hoặc thay đổi thông tin cài đặt trong các thiết bị thông tin liên lạc quan trọng như thiết bị nhận dạng tự động (AIS), thiết bị nhận dạng tầm xa (LRIT)...

Thêm vào đó, Bộ Luật Hàng hải 2015 chưa có các quy định cụ thể, đặc thù cho loại phương tiện tàu lặn. Trong khi đó, loại hình tàu lặn này đã được doanh nghiệp đưa về khai thác tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu du lịch ở Nha Trang.

Bộ luật Hàng hải 2015 chưa có các quy định cụ thể, đặc thù cho loại phương tiện tàu lặn. (Trong ảnh là tàu lặn Vinpearl khai thác ở Nha Trang). Ảnh: Vinpearl
Bộ Luật Hàng hải 2015 chưa có các quy định cụ thể, đặc thù cho loại phương tiện tàu lặn. (Trong ảnh là tàu lặn Vinpearl khai thác ở Nha Trang). Ảnh: Vinpearl

Cạnh đó, hoạt động của du thuyền chưa có quy định cụ thể mà đang áp dụng những quy định, tiêu chuẩn, chứng chỉ vận hành như đối với tàu khách.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định quản lý đối với các tàu treo cờ nước ngoài. Do vậy rất khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của các tàu này.

“Thực tế, đã phát sinh một số chủ tàu Việt Nam treo cờ nước ngoài hoạt động tại nước ngoài vi phạm quy định (như hoạt động tại khu vực có lệnh cấm vận), thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với quốc gia sở hữu tàu…”- Bộ GTVT cho hay.

Với bất cập trên, Bộ GTVT đề xuất sửa Bộ luật Hàng hải theo hướng khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh hàng hải, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu bãi bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển phải có người chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ đại lý tàu biển và người chuyên trách công tác pháp chế để doanh nghiệp tự quyết định. Bãi bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển phải có người chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển và người chuyên trách công tác pháp chế để doanh nghiệp tự quyết định…

Tính đến tháng 12-2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Liên Hiệp quốc về thương mại và phát triển, đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia) và thứ 27 trên thế giới.

So sánh năm 2022 với năm 2016, đội tàu vận tải biển mang cờ quốc tịch Việt Nam có giảm 200 tàu (tương đương với mức giảm 19%) nhưng tổng trọng tải của đội tàu vẫn tăng trưởng trên 40%.

Về cơ cấu, đội tàu Việt Nam đã có sự cải thiện so với các năm trước, tuy nhiên vẫn còn chưa hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp vẫn chiếm tỷ trọng cao, tàu chuyên dụng đặc biệt là container vẫn có tỷ trọng thấp và trọng tải nhỏ (chỉ 4,3%) trong khi xu thế vận tải container hoá ngày càng tăng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm